23.4 C
Vinh
Thứ hai, 7 Tháng mười, 2024

Gặp gỡ con trai nhà văn Bùi Hiển

Nhà văn Bùi Hiển (1919-2009) là nhà văn được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 năm 2001. Ông được biết đến như một bậc thầy của truyện ngắn với nhiều tác phẩm như Nằm vạ (trước năm 1945), Ánh mắt (1961), Trong gió cát (1965), Đường lớn (1966), Hoa và thép (1972), Một cuộc đời (1976), Ngơ ngẩn mùa xuân (1992), Bạn bè một thuở (1999)…

Nhà văn Bùi Hiển thời trẻ

Nhà văn Bùi Hiển có 4 người con. Con trai thứ 3 là nhà văn Bùi Quang Tú, sinh năm 1948, tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 7 tuổi, ông ra Hà Nội theo cha, học xong đại học, dạy vài năm ở Hà Tây rồi từ năm 1972 tham gia phong trào nhà giáo đi B, dạy ở Đồng Nai, nghỉ hưu và định cư tại đây. “Tôi dạy 3 năm trong rừng miền Đông Nam Bộ, sau đó về dạy Biên Hòa, chủ yếu dạy các cháu là con em cán bộ chiến sĩ, kể cả dạy cho anh em du kích 20 tuổi trở lên mà không có điều kiện đi học”. Ông kể, cha ông, nhà văn Bùi Hiển quê biển, thuộc xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông nội là tiểu chủ làm nước mắm nên mới có tiền cho con đi học trường Quốc học Vinh. Bùi Hiển hồi đó rất mê văn học Pháp, ảnh hưởng các nhà văn Pháp, điển hình là Guy đơ Mô-pa-xăng và đặc biệt đối với các nhà văn Việt Nam ông yêu thích Nguyễn Công Hoan.

Giỏi tiếng Pháp, ông chịu ảnh hưởng nhiều từ các tác phẩm ngoại văn thuộc dòng văn ý thức. Bùi Hiển cũng là dịch giả quan trọng, từng giới thiệu nhiều tác phẩm tới độc giả Việt Nam. Suốt sự nghiệp, nhà văn có 32 đầu sách sáng tác và dịch 9 tác phẩm.

“Khi học hết Diplom, cha tôi làm viên chức cho tòa sứ của Pháp, cụ được giác ngộ nên năm 1946 kháng chiến bùng nổ, cụ theo Bác Hồ rồi giữ chức Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền Nghệ An và đảm nhiệm Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc Nghệ An; năm 1947, cụ về làm chuyên viên kiểm tra của Sở Văn hóa Liên khu 4, đến 1948, cụ đi vào vùng địch hậu Bình – Trị – Thiên. Khi trở ra, cụ được bổ sung vào Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Liên khu 4 bao gồm Lưu Trọng Lư, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Bùi Hiển. Năm 1953, cụ lên chiến khu Việt Bắc, 1954 về Hà Nội công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam đến khi nghỉ hưu”. Nhà văn Bùi Quang Tú hào hứng kể.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhà văn Bùi Hiển công tác ở Hội Văn nghệ Liên khu 4. Lúc đó, ông Hải Triều, Giám đốc Thông tin – Truyền thông Khu 4, đã giới thiệu Bùi Hiển đi thực tế vùng địch hậu Trị Thiên. Đáng lẽ chỉ đi 6 tháng, nhưng cụ say mê quá nên đi tới một năm rưỡi.

“Ấn tượng nhất về cha là những năm kháng chiến chống Mỹ, ông vẫn thường xuyên đạp xe từ Hà Nội vào tuyến lửa Khu 4, đến những vùng trọng điểm Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị), Nghệ An, Hà Tĩnh; khi Chi Hội văn nghệ Nghệ An được thành lập thì cụ được giao nhiệm vụ đảm nhiệm Chi hội trưởng. Cụ có kể lại, lúc đó cụ đang ở Quảng Bình, 2 nhà thơ Minh Huệ và Trần Hữu Thung đều xứng đáng nhưng Trung ương lại cử cụ làm Chi hội trưởng đầu tiên. Nhận trọng trách, thỉnh thoảng cụ vào Nghệ An vừa đi thực tế vừa thực thi trách nhiệm của Hội, lúc ấy cha tôi làm trong Ban thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, phụ trách Chi hội Nghệ An.”

“Tôi nhớ thời bấy giờ cụ có mối quan hệ rất thân thiết với các văn nghệ sĩ Nghệ An và các văn nghệ sĩ từ Nghệ An ra Hà Nội đều ghé nhà tôi ăn cơm, như nhà thơ Minh Huệ, nhà thơ Trần Hữu Thung, nhà thơ Thạch Quỳ”. Nhà văn Bùi Quang Tú nhớ lại.

Nhà văn Bùi Quang Tú kể chuyện về người cha của mình, nhà văn Bùi Hiển

Một lần bố tôi và nhà thơ Hoàng Trung Thông từ Hà Nội vào với Chi hội Nghệ An, nhà thơ Trần Hữu Thung liền vác súng đi săn để thết đãi 2 nhà thơ từ Hà Nội vào. Lúc đến bìa rừng, cụ bắn nhầm một con dê của nông trường, mọi người hô hoán định bắt phạt nhưng nhưng khi nhận ra đó là tác giả bài thơ Thăm lúa nên ông không bị phạt lại còn được mọi người chia cho một nửa con dê mang về đãi khách”. Nhà văn Bùi Quang Tú kể một cách dí dỏm. Ông còn cho biết: “nhà thơ Trần Hữu Thung có biệt tài là đại thiện xạ, cụ có thể bắn trúng con chim đang bay. Ông cũng hay hút thuốc lào, có lần đi Liên Xô ông cầm cả điếu thuốc lào lên máy bay. Năm 1998, tôi có đưa cha tôi vào Nghệ An thăm nhà thơ Trần Hữu Thung, hai cụ quý nhau lắm”.

“Cha tôi học xong bằng Diplom trường Quốc học Vinh thì làm cho Tòa sứ Pháp rồi bắt đầu viết văn từ đó. Ông nổi tiếng với tác phẩm đầu tay là truyện Nằm vạ gửi cho tờ “Ngày nay”, do Thạch Lam phụ trách. Nhà văn Thạch Lam đánh giá “văn Bùi Hiển có chút duyên kín đáo, có những quan sát rất tinh tế”.

Trước cách mạng, Bùi Hiển viết hai mảng, thứ nhất cụ viết về vùng quê Quỳnh Lưu của mình với những nhân vật thôn quê, dân chài, trong đó có tác phẩm nổi tiếng Ma đậu, Nằm vạ và mảng thứ hai là những câu chuyện về cuộc sống viên chức nhỏ nhen, mòn mỏi; tập truyện ngắn đầu tiên lúc đó cụ mới 22 tuổi, đã đưa vào văn học trước cách mạng một cách nhìn chân dung hiện thực của những người dân chài miền biển vùng quê Nghệ An rất hiếm trong văn học lúc bấy giờ.

Cụ được tặng Giải thưởng Nhà nước vào năm 2001 và sau đó có mấy đợt nữa gia đình làm hồ sơ nhưng chưa đủ thủ tục nên đến cuối năm 2021 cụ mới được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Danh sách mà Hội Nhà văn đưa ra có 6 người nhưng xét bậc cao nhất thì được hai người cùng quê Quỳnh Lưu đó là nhà văn Bùi Hiển và nhà thơ Hoàng Trung Thông.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật dành cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận và đánh giá của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Nhà văn Đinh Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An cho biết, Hội đồng đưa vào hồ sơ Giải thưởng Hồ Chí Minh tập truyện ngắn của nhà văn Bùi Hiển có tác phẩm còn mang giấy phép xuất bản của Ty Văn hóa Nghệ An lúc bấy giờ. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm Trong gió cát, Hoa và thép, Tâm tưởng.

Mới đây người thân của nhà văn công bố cuốn Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri; sách dày 335 trang, phát hành dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn (ngày 22/11/1919), do ba người con của ông là Bùi Quang Tuấn, Bùi Quang Tú, Bùi Thúy Hồng và cháu gái Bùi Cẩm Hà biên soạn. Tên sách được đặt theo quan điểm sáng tác văn học của nhà văn: “Văn học có khả năng và thiên chức đánh thức những ước ao hướng thiện và tiềm năng tự hoàn thiện của từng con người.”

Riêng nhà văn Bùi Quang Tú cũng đã xuất bản 8 đầu sách truyện ký, chân dung văn học, sắp tới ông xuất bản tiếp một tập ký và một tập truyện ngắn. “Trước đây tôi cũng làm thơ nhưng bỏ thơ sang viết văn lâu rồi. Năm 2014, tôi được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam”. Nhà văn Bùi Quang Tú chia sẻ những câu chuyện khi chúng tôi cùng tham gia trại sáng tác Nha Trang.

Lang Quốc Khánh