Đình Sừng là một trong những ngôi đình cổ có quy mô lớn và nghệ thuật trang trí đẹp vào loại bậc nhất ở Nghệ An. Tên gọi đình Sừng gắn với tên đất, tên làng bởi nguyên xưa làng Quỳ Lăng còn có tên gọi Kẻ Sừng. Đây là một làng cổ nằm ở địa thế tương đối độc đáo, trước là đồng ruộng bao la, sau lưng là núi cao trùng điệp nên có nhiều lợi thế. Chính vì thế Kẻ Sừng từng được chọn là nơi đóng trị sở của Diễn Châu trong nhiều thế kỉ. Ngoài tên gọi trên, đình Sừng còn được gọi là đình Cả vì khi xưa làng Quỳ Lăng có tới 3 ngôi đình là đình Sừng, đình Trung, đình Thọ Cầu, trong đó đình Sừng là đình chính có quy mô lớn nhất. Trước đây, đình Sừng được bố trí giữa một quần cư trù mật, quanh đình có làng mạc, có cây đa, bến nước, có cầu, cổng làng… Nhưng dần dần theo những biến thiên của lịch sử, xã hội, các kiến trúc quanh đình bị hư hỏng, mất mát, hệ thống làng mạc, chợ búa cũng phải di dời.

Nhìn từ trên cao, Di tích Đình Sừng nằm giữa cánh đồng lúa Quỳ Lăng. Ảnh: Phan Tất Lành

Ngày nay đình Sừng nằm độc lập, khá xa khu dân cư, thuộc xóm Quỳ Lăng, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Trải qua nhiều thế kỉ, ngôi đình cổ vẫn uy nghi, sừng sững một vùng, được vây quanh bởi ruộng đồng, cây xanh, được bảo vệ bởi một lớp bờ bao và cổng đình vững chắc. Theo các văn bia tại đình Sừng, đình bắt đầu xây dựng vào tháng 11 năm 1583 thuộc xã Quỳ Lăng, tổng Quỳ Trạch, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, Nghệ An thừa tuyên, với tiền của và công sức của dân làng đóng góp để làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa. Đến năm 1797, làng dựng thêm tòa hậu cung để làm nơi thờ phụng các vị thần thành hoàng làng. Trong quá trình tồn tại, với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đình bị hư hỏng, dân làng đã phải tu sửa nhiều lần vào các năm: 1637, 1677, 1797, 1844, 1913. Đến năm Đinh Mão (1927), trải qua 4 thế kỉ tồn tại, đình bị xuống cấp nghiêm trọng, dân làng đóng góp tiền của, công sức xây dựng lại to lớn như hiện nay. Sau 3 năm chuẩn bị vật chất, nhân lực, 1929 khởi công tôn tạo, xây dựng lại đình dưới sự chỉ đạo của đốc công Hoàng Doãn Cù, đến năm 1930 hoàn thành. Được biết gỗ lim dùng để xây dựng đình được dân đinh các làng kéo về từ những cánh rừng của Quỳ Lăng xưa. Dân làng ngày nay còn nhớ câu ca: “Ba năm kéo gỗ làm đình/Một đinh ta tính nửa nghìn ngày công”.

Tòa đình ngày nay vẫn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Ảnh: Phan Tất Lành

Theo tài liệu ghi lại, trước đây, đình Sừng có 5 công trình là tòa đình, hậu cung, nhà tả vu, hữu vu, nhà miếu. Trải qua nhiều thế kỉ tồn tại cùng sự biến động của thiên nhiên và xã hội, hiện nay đình Sừng chỉ còn lại tòa đình, hậu cung và nhà miếu, trong đó tòa đình và nhà miếu là còn giữ được tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu.

Tòa đình rộng lớn có kiến trúc đời Nguyễn, được làm bằng gỗ lim, có diện tích dài 24,7m, rộng 11,2m với 5 gian lớn và 2 gian phụ ở 2 đầu; có 6 vày, mỗi vày 4 cột gồm 2 cột cái và 2 cột quân (cột cái cao 5,63m, đường kính 0,42m, cột quân cao 4,33m, đường kính 0,4m). 24 cột của tòa đình cao to, cánh tay người ôm không xuể, được đặt trên những chân đá tảng vững chắc. Hai đầu tòa đình xây tường thấp bẻ góc về phía trước, có cột trụ, hai phía  trước sau để trống.

Phần gỗ trong đình được làm hoàn toàn bằng gõ lim. Ảnh: Phan Tất Lành

Điểm nhấn của tòa đình còn nằm ở các họa tiết được đục, chạm trổ chạm lộng công phu, tỉ mỉ, mang tính nghệ thuật cao trên các xà, hạ, kẻ, đầu dư… Các bức chạm hình tượng tứ linh long, ly, quy, phượng được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thể hiện hết sức sắc nét, sinh động. Các đề tài như phượng hàm thư, cá hóa rồng, tùng lộc, long vân… cũng được thể hiện tinh tế, điêu luyện. Ngoài ra, các hình tượng như rồng chầu, phượng múa với những mảng phù điêu trên các bờ nóc, bít đốc… được các nghệ nhân dân gian thể hiện mềm mại, uyển chuyển, cân đối và mang nhiều ý nghĩa biểu trưng.

Các kiến trúc gỗ trong đình được đục, chạm lộng tỉ mỉ, công phu. Ảnh: Phan Tất Lành

Qua lời kể của các bậc cao niên, đình do hai tốp thợ đến từ hai vùng khác nhau làm một cách độc lập: tốp thứ nhất do cụ Phó Tu người Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu làm các vày phía đông, tốp thứ hai do cụ Phó Tời người Diễn Hoa, Diễn Châu làm các vày phía tây. Vậy mà khi dựng lên lại chính xác và rất khớp nhau. Điều đó cho thấy các tốp thợ làm đình có tay nghề rất cao. Quan sát kĩ có thể nhận thấy cùng một chủ đề nhưng các họa tiết được chạm trổ lại mang phong cách riêng của từng tốp thợ.

Hai tấm bia đá cổ trong đình Sừng. Ảnh: Phan Tất Lành

Hiện bài trí ở tòa đình rất đơn giản, chỉ còn lại hai tấm bia đá cổ với kích cỡ khác nhau đặt ở 2 gian 2 đầu cuối, trong đó có 1 tấm bia 2 mặt dựng thời Lê, bia 4 mặt dựng thời Nguyễn. Trên 2 tấm bia này được đục chữ trong đó một tấm bia được dựng năm 1637, năm khắc bia là 1677, một tấm dựng năm 1844. Nội dung các văn bia ghi lại thời gian khởi dựng đình Sừng, thời gian dựng bia, thời gian tu sửa, tôn tạo, sự đóng góp của quan viên, chức sắc, sinh đồ làng Quỳ Lăng trong mỗi lần tu sửa đình. Bác Hoàng Văn Lẫm, nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Lăng Thành cho biết, khi bác lớn lên đã có đình Sừng, có giai đoạn đình Sừng được dùng để làm trường học, bác cũng học ở đó từ năm 1948 cho đến 1952. Khi đó, đình được chia thành các ngăn để làm lớp học. Trong đình còn có cả tượng voi, ngựa bằng gỗ, sau đó bị hư hỏng, mất mát dần. Thầy giáo dạy học được mời từ ngoài Bắc vào. Bác Lẫm cũng cho biết thêm, đã có những thời kì đình Sừng là nơi đóng xưởng dệt của quân khu IV trong kháng chiến chống Mỹ. Trong 2 cuộc kháng chiến, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã ném bom 2 lần về phía đình Sừng nhưng đều không trúng. Người dân nơi đây coi đó là biểu hiện sự linh thiêng của ngôi đình.

Nhà hậu cung bị xuống cấp một số hạng mục mới được tu sửa lại. Ảnh: Lê Nhung

Phía sau tòa đình, qua một khoảng sân lộ thiên là nhà hậu cung. Nhà hậu cung xưa đã bị tháo dỡ, tòa nhà hiện nay được chuyển từ đền Nghè, một ngôi đền ở làng Quỳ Lăng về dựng năm 1995, đặt lên móng nhà hậu cung xưa. Nhà có kiến trúc thời Nguyễn, có 4 vì, 3 gian, 2 hồi văn và cũng được làm bằng gỗ lim, được chạm khắc điểm xuyết tinh tế với các đề tài tứ linh, tứ quý, 3 phía xung quanh xây tường. Phía trong bài trí hương án thờ thành hoàng làng Cao Sơn, Cao Các, những thần dân có công khai phá, xây dựng nên đất tổ Quỳ Lăng. Nhà hậu cung gần đây bị xuống cấp, năm 2022 đã được tu sửa lại một số hạng mục, mái ngói âm dương cũng được lợp lại và một số gỗ hư hỏng, mối mọt được thay mới chắc chắn hơn. Phía đông cách hậu cung một khoảng hơn 10 m là nhà miếu thờ thần bản thổ. Nhà miếu cũng có kiến trúc thời Nguyễn, khung sườn làm bằng gỗ lim và xung quanh xây tường. Ngoài ra, xung quanh đình còn có diện tích vườn khá rộng được trồng cây cho bóng mát, cây ăn quả… tô điểm và tôn thêm vẻ đẹp cổ kính cho ngôi đình cổ.

Theo cuốn “Lịch sử xã Lăng Thành” thì trước Cách mạng Tháng Tám, đình Sừng còn là nơi lý trưởng và các quan viên trong làng dùng làm nơi hội họp, bàn bạc, giải quyết công việc của làng, vừa là nơi diễn ra các lễ tế như lễ tiểu kỳ phúc hàng năm, lễ đại kỳ phúc 3 năm 1 lần… Đây còn là nơi hội họp bí mật của chi bộ Quỳ Lăng những năm 1930-1931, và là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Anh Nguyễn Hữu Hải, Bí thư Đảng ủy xã Lăng Thành cho biết, gần đây đình Sừng đã được trùng tu một số hạng mục, dự tính tương lai địa phương sẽ làm lại hệ thống đường vào, làm đẹp khuôn viên, sân khấu, sân bóng chuyền… và dự định 2024 khôi phục lễ hội đình Sừng theo truyền thống.

Bí thư Đảng ủy xã Lăng Thành Nguyễn Hữu Hải và câu lạc bộ chèo của xã sinh hoạt tại đình Sừng. Ảnh: Kiều Nga

Ngày nay, địa phương vẫn duy trì lễ tế, rước truyền thống vào 15/3 âm lịch. Ngoài ra còn có một số hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương cũng diễn ra ở đình Sừng như các câu lạc bộ người cao tuổi, câu lạc bộ chèo, các cháu thiếu niên sinh hoạt đội,… Các hoạt động này đều thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đồng thời là cách bảo lưu bản sắc văn hóa địa phương.

Năm 2004, đình Sừng được công nhận di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Ảnh: Phan Tất Lành

Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng đình Sừng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ với những chứng tích lịch sử của đất và người Quỳ Lăng. Sự hiện diện của đình Sừng không những góp phần tô điểm cho vẻ đẹp quê hương Lăng Thành mà còn là bằng chứng thể hiện trình độ thẩm mỹ, tài nghệ sáng tạo nghệ thuật, ý thức xây dựng quê hương của cha ông thuở trước. Với những giá trị to lớn, năm 2004, đình Sừng được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia. Người dân nơi đây khi nhắc đến ngôi đình đều rất đỗi tự hào về một ngôi đình cổ kính trên quê hương mình. Chính vì vậy việc gìn giữ và phát huy giá trị của đình là một việc làm rất cần thiết. “Bảo vệ di tích cũng là cách giữ gìn văn hóa truyền thống cho quê hương” – đó là chia sẻ của bác Nguyễn Bá Nhàn, một người con đất Quỳ Lăng, người có nhiều kỉ niệm tuổi thơ với ngôi đình từ khi còn là cậu bé học tiểu học tại đình cho đến khi gắn với công việc trông coi, bảo vệ đình Sừng hơn chục năm nay. Và quả như vậy, trải qua bao thế kỉ, đình Sừng rêu phong cổ kính vẫn còn đó trên đất Quỳ Lăng tồn tại song hành cùng mạch nguồn văn hóa của vùng quê Yên Thành.

Lê Nhung