LTS: Nhà văn Vi Tân Hợi – hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, Chi hội trưởng Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số Nghệ An là một trong hai thành viên của Hội vinh dự được tham gia đoàn công tác thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/8 (Quế Đường) từ ngày 19/4/-25/4/2024. Sinh ra, lớn lên và cả cuộc đời gắn bó với vùng miền núi Nghệ An, nhà văn rất ít có cơ hội “sống” cùng biển. Nhưng lần này ngoài mong ước, anh đã được “tận hưởng” tới một tuần lễ với biển/đại dương mênh mông, đặc biệt lại ở một trong những nơi thiêng liêng nhất của Tổ quốc: Quần đảo Trường Sa. Những cảm xúc, đôi khi thật khó diễn tả bằng lời vì quá đặc biệt, quá dữ dội, chỉ có thể cảm và nhận trong chính không gian ấy, bối cảnh ấy, và những kỷ niệm khó có điều tương tự lặp lại tầng tầng lớp lớp dâng ngập con tim khiến anh không thể không bày ra, trải ra qua con chữ. 
Tạp chí Sông Lam cùng nhà văn gửi tới quý bạn đọc sự trải lòng này qua bút ký “Đọng mãi Trường Sa” những mong tình yêu biển đảo, yêu Trường Sa, Hoàng Sa, yêu Tổ quốc thêm một lần ngân lên, lắng đọng trong tình cảm của mỗi người con Việt Nam!

Tôi sinh ở nơi không có biển, mà thuở khốn khó tuổi thơ chỉ quanh quẩn bên dòng sông Lam. Lớn lên đi học tôi biết về biển đảo qua truyện kể sự tích quả dưa hấu; những bài giảng của thầy, cô và biết được rằng đất nước ta rừng vàng biển bạc. Hình ảnh về anh bộ đội hải quân mặc áo sọc trắng xanh kiêu hãnh bồng súng đứng gác và những con tàu lướt sóng giữa đại dương được chúng tôi thi nhau vẽ lên những trang báo tường treo ở lớp. Khi học đến cấp 3 kiến thức về biển đảo được bồi đắp thêm đôi chút khi tôi đọc cuốn tiểu thuyết viễn tưởng “Hai vạn dặm dưới biển” của Jules Verne và “Biển gọi” của Hồ Phương… Đằng đẵng bao nhiêu năm tôi mới được ra với biển trong những chuyến đi tham quan cùng thầy, cô (quà tặng cho những học sinh xuất sắc). Tôi thả sức vẫy vùng giữa biển cả mênh mông, nhìn ngắm vô vàn con sóng cứ ào ạt xô bờ… Rồi biển của những kỳ nghỉ, của sóng xô bất tận và những hào hứng mãn nguyện của nghỉ ngơi thưởng thức. “Hành trang” về biển và đại dương thuở học trò của tôi chỉ có vậy…

Xa xa ký ức là những câu chuyện văn học, gần hơn là những thước phim – sóng to sóng nhỏ dào dạt ầm ào – nhưng thế nào thì biển cũng chỉ làm nền cho nhân vật…

Sau sự kiện 14/3/1988 và sự hy sinh của 64 chiến sĩ quyết tử để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tôi thường xuyên dán mắt vào màn hình ti vi, lật từng trang báo để tìm tin tức về Trường Sa. Những bản nhạc, những ca khúc và cả những con tem về Trường Sa, về chiến sĩ hải quân nhân dân… được tôi gom lại và in thành đĩa, thành album riêng để nghe và xem từng ngày. Tôi yêu Trường Sa!

Nếu mãi như thế cho đến hết đời thì cũng có thể làm được đôi ba cái kết luận về Trường Sa, về biển, về sinh tồn, về vẻ đẹp… bét nhất cũng có thể cất lên một câu thơ khi thù tạc cùng bạn bè. Thì cũng chả sao, cũng chẳng ai trách cứ gì, yên tâm mà sống và đời ơi đâu có gì đen tối, ta vui sống và gây dựng những vẻ đẹp lớn từ những vẻ đẹp cỏn con…

Một ngày đầu tháng 4 năm 2024, tôi nhận được điện thoại của nhà văn Phan Thanh Bình – Chánh văn phòng Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An.
– Đợt này Bộ Tư lệnh Hải quân mời một số văn nghệ sĩ đi ra đảo Trường Sa để sáng tác, anh có đi không để Hội ta đăng ký?
– Đi Trường Sa ư, mấy ngày?
– Chừng 7-8 ngày gì đó anh.

Tiếp sau đó là điện thoại của Trưởng ban Văn xuôi Hồ Ngọc Quang “Hợi đi đi, hiếm khi được mời như thế này, tiếc mình bận quá không đi được”. Tôi đang chần chừ không biết trả lời thế nào, thì chuông điện thoại lại vang lên. Tôi cầm máy, ở đầu kia là tiếng của PGS, TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An.

– Đợt này Nghệ An được mời 2 người, anh có đi thì chúng ta đi cho vui.
Lần này thì không đắn đo nữa, tôi nhận lời luôn.
Sau đó văn phòng Hội hướng dẫn tôi làm thủ tục, phô tô thẻ căn cước công dân, phiếu khám sức khỏe, số điện thoại. Tôi đáp ứng luôn và chờ đợi…

Một số bạn bè là phóng viên báo chí nói với tôi đi Trường Sa mùa này là phù hợp nhất “trời yên, biển lặng”.

Chờ mãi rồi tôi cũng nhận được giấy thông báo ngày, giờ và địa điểm tập trung xuất phát. Vợ tôi sắm cho mấy bộ quần áo, chiếc mũ tai bèo màu xanh bộ đội, khăn, bàn chải đánh răng, bàn cạo râu và cả kinh phí bảo đảm… Tôi chỉ có việc sắp xếp kế hoạch gia đình là ung dung lên đường.

Gặp bạn bè tôi đều khoe: “Mình sắp đi Trường Sa rồi đấy”. Người nhận thông tin bao giờ cũng như hơi ngỡ ngàng. “Vậy à, thích nhỉ, nơi ấy có tiền cũng chẳng đi được đâu, vinh dự lắm đấy”; “Đó là tuyến đầu, nơi linh thiêng của Tổ quốc, nơi hiểm nguy và vất vả. Được đến nơi ấy là đáng nể rồi…”. Thậm chí những người thường ngày có chút giận dỗi, không hài lòng với tôi bởi khác nhau về quan điểm sống, nhưng nghe tin tôi sắp đi Trường Sa cũng chia sẻ nièm vui “Ồ, nơi ấy là biên cương, là phên dậu từ biển, thật trân trọng…”.

Đã 36 năm nay kể từ xảy ra sự kiện Gạc Ma, Nhà nước, các cơ quan truyền thông liên tục nói về Trường Sa, Hoàng Sa, cho nên ngay từ các em nhỏ cũng đã có trong vốn từ chưa đầy đặn của mình tên hai địa danh thiêng liêng đó. Trong lĩnh vực văn nghệ cũng nhiều tác phẩm phản ánh về hai nơi này… Trong huyết quản mỗi người dân Việt bây giờ vùng biển đảo ấy mỗi khi vang lên đều gợi lên cảm giác nghèn nghẹn, và trào dâng một cảm xúc thân thương như nghĩ về thân nhân ruột thịt.

Và tôi đang chuẩn bị đi về một nơi như thế.

*

Trưa ngày 16/4/2024, sau khi cùng các con dùng bữa cơm trưa, tôi gọi taxi và xách vali ra khỏi nhà. Cháu Gia Bảo mớ 2 tuổi – là con của con gái tôi cứ nằng nặc đòi theo ông. Thương cháu nên tôi bước chân thật nhanh ra đường Nguyễn Tiềm đợi xe.

Nắng gay gắt, ga Vinh chỉ lưa thưa vài người. Mãi đến 12h tàu SE7 mới vào sân ga. Tôi ở toa số 6, cũng ở tầng 2 giường bên cạnh có một thanh niên da cháy đen, tóc cắt ngắn mặc trang phục hải quân. Tôi liền bắt chuyện. Bạn ấy tên là Nguyễn Đức Thiện, ở phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh. Thiện đã trên 20 năm binh nghiệp và có 2 lần ra đảo Trường Sa, ấy là vào các năm 2010 và 2012, vừa mới rời quân ngũ năm 2023.

Trong tiếng sình sịch, của đêm, của sự lao đi trước nhiều thứ đứng lại, của tưởng tượng biển khơi, của ký ức những lần đi biển, tôi nhìn sang bạn đồng hành, loáng qua dòng ánh sáng đèn đường, rõ ràng không có giấc ngủ, một suy tư, không, đúng hơn chỉ là nghĩ ngợi, mà gì đó chắc không thuộc về vấn đề đau khổ, nhưng không vui tươi, tôi lờ đi cho bạn, cho tôi có cái phút đường dài một mình một cách tuyệt đối, như mấy mươi năm một thoáng nhìn sâu…

Ở tầng 1 có 2 người tuổi đã qua bát thập, từng đi lính và chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Một người vào Ninh Thuận thăm con, người kia trở lại chiến trường xưa (bến Vàm Lũng, Cà Mau). Họ râm ran trò chuyện…

Vừa chạm đèo Hải Vân, nhân viên phục vụ trên tàu đưa cơm đến tận phòng. Chúng tôi cùng ngồi ăn cơm tối ở tầng 1. Qua lớp cửa kính lờ mờ bóng núi, hình biển, sóng vỗ ghềnh đá không nghe thấy nhưng cứ như bên tai, một ào ạt âm vang. Ngoài hành lang tàu, một cô gái và một chàng trai còn rất trẻ, tay trong tay và giọng cô gái kia cất lên “Em ghét nước, ghét biển chỉ vì một lần ra biển em bị đuối nước suýt chết… Vậy mà bây giờ em đi về phía biển, sống với biển nhiều ngày… chỉ vì… nơi ấy là Trường Sa”. Tôi chợt nghĩ “Có lẽ họ cũng đi Trường Sa với mình chuyến này”.

Chúng tôi huyên thuyên với nhau mà quên đi sự cách biệt về tuổi tác. Hóa ra họ đều là lính hải quân và tôi thật may mắn… Tôi cũng dốc bầu tâm sự cùng những người bạn đường về tuổi thơ, về những giấc mơ, nghệ sĩ, đường phố, đồng bằng, núi non, những cuộc đi cho những vùng đất lạ thêm dấu chân và vài ba kinh nghiệm “âm mưu” sâu sắc cho trang viết… trong ánh ngày loang loáng vạn vật trôi qua ngoài cửa tàu, và thời gian của những lúc không sự kiện. Cứ thế chúng tôi tâm sự xuyên đêm. Lắng cùng câu chuyện của 3 người lính, như mơ màng có đôi lúc tôi tưởng đoàn tàu im lặng đi trong mây…

Dự kiến tàu đến ga Nha Trang lúc 9h37 phút ngày 17/4/2024, nhưng hôm nay muộn hơn cả tiếng đồng hồ. Ấy là do đường hầm qua đèo Cả, đoạn giáp ranh giữa Phú Yên và Khánh Hòa bị sập chưa kịp thông. Đến ga Phú Yên chúng tôi xuống tàu để lên xe di chuyển đến ga Giã.

Tiễn người thân ra Trường Sa

Tàu đến Nha Trang khi đồng hồ vừa chỉ 11 giờ 12 phút. Tạm biệt hai người lính già, tôi và Thiện bắt taxi về Cam Ranh. Hôm đó, Thiện dẫn đường cho lái xe đưa tôi về tận nơi tập trung của các văn nghệ sĩ và báo chí – Nhà khách 858 của Vùng 4 Hải quân. “Anh đi mạnh khỏe, bình an khi nào về mời anh ghé vào nhà em chơi. Nhà em ở khu chung cư Vùng 4 Hải quân” – nói rồi Thiện bước lên xe.

Cam Ranh đầy nắng.

Chiếc mũ tai bèo vợ tôi sắm cho đã phát huy hiệu quả. Ở lại nơi đây – Cam Ranh nắng và gió – hai ngày – mai chúng tôi sẽ khám sức khỏe và nghe quán triệt một số vấn đề về an toàn cho chuyến đi – ngày kia, 19/4 ra với Trường Sa…

Chợt nhớ hồi còn công tác, một người bạn học thời phổ thông đi bộ đội đóng quân ở Cam Ranh có gọi cho tôi “Hợi đã bao giờ đến Cam Ranh chưa? Vịnh Cam Ranh đẹp lắm, có thể sánh ngang với vịnh San Francisco của Mỹ và Rio de janero của Brazil đấy”. Thế là tôi nhờ chiến sĩ trực ban gọi cho chiếc taxi chở đi loanh quanh ngắm biển, đường phố và người Cam Ranh.

Là người Nghệ An, thuở thơ ấu tới giờ tôi chỉ gắn bó với con sông Lam thơ mộng, đậm phù sa, nước lớn theo mùa, không rộng mênh mang nhưng trầm lặng. Bây giờ ở đây được ngắm vịnh Cam Ranh mênh mang, nhộn nhịp tàu thuyền vào ra. Biển một màu xanh ngọc trong vắt, bờ cát trắng ngà… mang lại cái cảm xúc thiên nhiên bí ẩn, con người bé nhỏ, trật tự sinh tồn là chung sống hòa bình nương dựa lẫn nhau, không phải cứ là con người thì có thể tranh đoạt triệt để được sự sống với các loài khác…

*

Đoàn công tác số 10, do Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà – Phó Tư lệnh quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn, nòng cốt là đoàn của cán bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội (120 người) do đồng chí Nguyễn Thị Tuyến – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội dẫn đầu. Ngoài ra còn có EVN Hà Nội, Công ty CP Phú Mỹ, ê kip làm phim “Trường Sa bến bờ thương nhau” của Đài Truyền hình Việt Nam, 8 phóng viên báo chí (không tính số phóng viên báo chí đi cùng đoàn Hà Nội). Nhóm văn nghệ sĩ chúng tôi chỉ vẻn vẹn 4 người ở 4 chuyên ngành: văn, thơ, nhiếp ảnh và âm nhạc. Mỗi người mỗi miền quê, giọng nói không giống nhau… Nhưng, chúng tôi là nghệ sĩ sáng tác, chúng tôi nói với nhau vừa đủ, trong buồng nghỉ, bên hành lang, trên boong tàu, chúng tôi nhìn về bờ, hay xa tít ngoài khơi… chúng tôi nghĩ về sự sống, những tiếng trẻ thơ và bao con muỗi rừng, về chiến tranh tàn khốc đã từng xảy ra trong bạt ngàn miên man xanh kia. Rồi, tôi đưa mắt về phía trước, nơi ấy là biển, mọi sự khốc liệt vẫn đang hàng ngày. Anh em theo mắt, hướng tâm và im lặng, lòng kẻ viết chắc một nhịp cho quê hương đất nước hay chút nặng lòng lo lắng mộng bình yên… Biển và sông, chúng cùng chứa nước, mà vị, mà màu lại khác xa nhau. Con người thì thế nào? – Thì cùng là người có chung cấu trúc sinh học nhưng họ cũng quá khác nhau – nơi này nơi kia bom rơi súng nổ cướp đoạt sinh mạng – nhân quần chưa thể đến được ngày bình yên vui hưởng thái bình…

Đi về phía Trường Sa, chúng tôi đi không như công việc mưu sinh, cũng không phải nhà thám hiểm, mà đi như một thúc bách, một trách nhiệm công dân với hy vọng góp một chút mình bên các anh ngoài đó, nhỏ nhoi thôi, có khi chỉ một hơi ấm, tin yêu, đồng cảm, hay đơn giản hơn, chỉ “tải” cái hơi đất liền cho các anh đỡ thèm nơi đầu sóng ngọn gió làm nghĩa vụ với đất nước, để mà nơi trời liền sóng các cơn bão tố đi qua vẫn chắc tay mạnh chân cắm hình trên biển đảo; cũng là một chuyến đi nhìn, kiểm chứng lòng mình khi xa đất liền đến thế cảm giác ra sao, nghĩ về Tổ quốc thế nào; không mơ hồ trong ý niệm sinh tồn, mà thực tồn – rằng nơi đây đang là tiền đồn giữ bình yên cho sau lưng kia cộng đồng có cùng huyết thống, tiếng nói, văn hóa…

Có đi từ đất liền ra biển mới thấy hết cái mênh mông, bất tận và bí ẩn của biển cả. Bờ cứ xa dần và mầu nước biển cũng chuyển từ sẫm, sẫm đen, rồi chỉ đen, cũng là lúc hoàng hôn chấm hết để đi vào thẳm sâu biển đêm. Trước lúc đó chỉ đúng ba mươi giây, tôi nghe bên cạnh, trên boong tàu gió bắt đầu lộng – tiếng nhạc sĩ trẻ Nguyễn Quốc nói với anh bạn nhiếp ảnh già đang đứng kế bên: “Anh thấy không, với biển, con người thật nhỏ bé, như không tồn tại, như vô tăm tích”…

Chỉ đến đấy, biển sập cửa. Bóng đen bao trùm.

Ở biển đêm xuống thật nhanh, chỉ phập một cái, thế là hết ngày sang đêm.

Chúng tôi ngồi trên dãy ghế ở boong tàu ngắm đêm của biển. Cảm nhận biển qua gió chứ nhìn ra chỉ mịt mùng một màu đen kể từ ranh giới ngắn ngủi của ánh sáng con tàu. Gió lộng, nhịp tàu lắc lư, vài tiếng nhỏ nhoi trò chuyện, rồi, im bặt, ba người bạn đồng hành đã chìm vào giấc ngủ ôm trùm giữa bao la mênh mông của biển…

Hôm sau – ngày 20/4/2024, đúng 5 giờ sáng, nhạc hiệu vang lên sau đó là giọng của trực ban “Hết giờ ngủ, toàn tàu báo thức”. Tàu vẫn đi và mọi người cứ làm việc riêng của mình, vệ sinh, ăn sáng, rồi lại hàn huyên… cho đến 13 giờ ngày hôm đó tức là sau 29 giờ đồng hồ không nghỉ để đi suốt hải trình 310  [1] hải lý, tàu Trường Sa 571 chở 200 thành viên đoàn công tác số 10 và 18 thủy thủ đoàn bắt đầu thả neo – chúng tôi đã đến Song Tử Tây. Loa phát thanh gắn trong buồng vang lên tiếng cô phát thanh viên của Đài PTTH Hà Nội giới thiệu khái quát về đảo Song Tư Tây. Đúng 13h30 chúng tôi xuống thuyền để đi lên đảo – điểm đến đầu tiên trong hành trình về phía Trường Sa lần này.

Song Tử Tây có hình bầu dục, nhìn từ xa như một khu rừng nhỏ giữa đại dương, diện tích chưa đến 1 km2.

Nắng đã rọi. Găn gắt. Mồ hôi. Gió biển không làm khô được những vệt chảy trên mặt…

Nhóm văn nghệ sĩ chúng tôi đi về cột mốc chủ quyền làm mấy kiểu ảnh lưu niệm trước khi đi loanh quanh thăm các chiến sĩ và các hộ dân trên đảo. “Do có nước lợ cho nên quân và dân xã đảo này đã phát huy lợi thế sẵn có để trồng rau xanh làm đậu phụ, giá đỗ và chăn nuôi gia súc, gia cầm các loại. Ngoài ra, quân và dân xã đảo còn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn trên vùng biển quản lý; hỗ trợ tàu cá tránh trú bão an toàn; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, khám bệnh, cấp thuốc, cấp cứu, hiến máu cho ngư dân…” – Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây đã nói như vậy trong buổi làm việc với lãnh đạo đoàn công tác số 10.

Mặt trời vừa chạm chân trời phía tây cũng là lúc chúng tôi trở lại tàu để đi tiếp đến đảo Sinh Tồn cách Song Tử Tây khoảng 115 hải lý. Đây là một trong số hòn đảo được giải phóng đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Gần 50 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, quân, nhân dân và các lực lượng trên đảo đã lập nhiều thành tích xuất sắc, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Sinh Tồn là hòn đảo có ý nghĩa chiến lược đối với quần đảo Trường Sa.

Chúng tôi háo hức bước chân lên đảo. Dẫu biết rằng khí hậu ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều na ná giống nhau và vô cùng khắc nghiệt, mùa khô thì nắng nóng kéo dài, mùa mưa thì giông bão liên tục xảy ra, nhưng khi đến Sinh Tồn chúng tôi thấy có vẻ dịu hơn, cây cối xanh tươi hơn Song Tử Tây. Trước mắt chúng tôi là tấm biển ghi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Dưới tán cây bàng vuông, chúng tôi ngồi uống nước, trò chuyện với vợ chồng chị Bùi Thị Kim Ngọc và anh Lê Thanh Tuấn. Chị Ngọc bảo gia đình mới ra đảo được 1 năm, bé đầu đang học mẫu giáo 4 tuổi, đứa thứ hai 6 tháng đang ở trong bụng mẹ. Tối qua cả đảo vừa đón cơn mưa đầu tiên trong năm, nên hôm nay tiết trời có vẻ dễ chịu hơn một chút.

Một lớp học ở đảo Sinh Tồn

Trường học nằm ngay trước nhà chị Ngọc cho nên chúng tôi ngồi trò chuyện bên này vẫn nghe được tiếng bọn trẻ bi bô đọc bài; tiếng thầy giáo dặn trò trước khi ra chơi “Hôm nay đảo ta có khách, các con ra chơi không chạy lung tung, gặp khách phải chào, nghe chưa”. Tiếng học trò đồng thanh “Chúng con nghe rõ ạ” vang khắp đảo nhỏ. Trường chỉ có gần 20 học sinh, 2 thầy giáo thay nhau dạy từ mẫu giáo đến lớp 5. Những cháu học hết tiểu học thì được gửi vào đất liền học tiếp.

Tạm biệt vợ chồng chị Ngọc, anh Tuấn chúng tôi đi thăm hết các gia đình trước khi trở lại tàu. Trước thềm nhà, hay ven những con đường chúng tôi đều bắt gặp những loại rau, quả và hoa được lấy từ đất liền ra trồng, mong manh nhưng rắn rỏi để thích nghi với môi trường khắc nghiệt nơi đây. Hoa vẫn đua nhau khoe sắc, bầu, bí vẫn đua nhau trĩu giàn…

Nắng rát mặt, gió biển mặn chát, sống giữa bốn bề mênh mông biển nước, trong cái khắc nghiệt của khí hậu, con người và cây cối trên đảo Sinh Tồn vẫn vươn lên mạnh mẽ đúng như cái tên của đảo.

Sức sống mãnh liệt ở Trường Sa

Chiều hôm đó, chúng tôi tiếp tục đến đảo Cô Lin, đây là đảo đá chìm nằm trong chuỗi đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa (Sinh Tồn, Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao) chỉ cách Sinh Tồn 13 hải lý và cách đảo Gạc Ma 1,9 hải lý. Trong lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam, cái tên Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao đã thực sự trở thành bất tử, gắn với khúc tráng ca bi hùng ở Trường Sa. Đã là người con đất Việt chắc chắn chẳng ai quên sự kiện 64 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã ngã xuống ngày 14/3/1988 để bảo vệ chủ quyền bảo đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Máu các anh đã nhuộm thắm vào lòng biển đảo quê hương. Khu vực biển quanh đảo Cô Lin, Gạc Ma hiện đã trở thành một nghĩa trang đặc biệt, người lính Hải quân vẫn gọi đây là “Nghĩa trang xanh”.

Bước chân lên đảo Cô Lin, nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên đảo, chúng tôi cảm thấy xúc động thật sự. Một chiến sĩ còn rất trẻ, da cháy đen vì nắng, tay bồng súng, miệng cười với khách: “Đảo có bình yên thì quê nhà mới bình yên. Mọi người thường hỏi chúng em có khó khăn gì không, thú thật những điều ấy có là gì so với công sức, mồ hôi, xương máu của các thế hệ cha anh đã đổ xuống để giữ đảo đâu. Nên chúng em cảm thấy may mắn khi ở đây để giữ sự bình yên cho đảo”…

Sự bình yên ấy, quả thật là chưa khi nào chúng tôi cảm nhận rõ như thế khi đi dạo trên đảo. Vườn rau xanh mướt, giàn hoa giấy rực rỡ, đàn chó quấn quýt chân người… chỗ nào cũng thấy ấm áp, thân tình. Mặc ngoài kia là bão giông, là những ngày phải căng mình đối phó với tàu lạ… Cảm giác bình yên ấy, với những người từ đất liền ra đảo, thật sự rất quý giá. Nghĩ về trận hải chiến năm xưa và thấy sự bình yên bây giờ, càng khâm phục và tự hào về những người đã nằm xuống với chân lý “còn người, còn đảo, còn Tổ quốc”…

Cũng như các đoàn công tác trước đây khi đến thăm đảo Cô Lin, hôm nay chúng tôi cũng vậy, cũng làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh. Cả 218 người đứng trên boong tàu 571 lặng lẽ nghe bài tưởng niệm giữa “nghĩa trang xanh”, giữa khói hương nghi ngút và tiếng kinh cầu siêu… Trong giây phút linh thiêng ấy ai cũng xúc động! Xót xa! Tự hào! Cảm xúc đan xen và cùng rơi nước mắt… Đã từng đọc nhiều, nghe nhiều và xem tư liệu nhiều, nhưng quả thật có đứng giữa đại dương mênh mông như thế này mới hiểu và càng thêm khâm phục sự quả cảm của các chiến sĩ Hải quân. Sau vòng hoa là 218 con hạc giấy mầu trắng mang trên mình từng ấy bông hoa cúc vàng được chúng tôi thả xuống biển – nơi ấy có các anh, tuổi còn rất trẻ…

Vòng hoa và những con hạc giấy tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Con tàu cứ chạy và chúng tôi cứ thế đứng trên hành lang nhìn theo vòng hoa đỏ và những con hạc giấy đang lùi xa dần, xa dần rồi chìm trong thăm thẳm của biển đêm.

Ngày hôm sau (22/4), chúng tôi đến đảo Núi Le B và Tốc Tan B, đây cũng là hai đảo chìm. Sau khi hoàn thành các công việc ở Núi Le, Tốc Tan, chiều tối chúng tôi trở lại tàu. Sau bữa cơm, cả đoàn lên boong tàu giao lưu văn nghệ, vận động quyên góp ủng hộ quỹ khuyến học Trường Sa. Những bài hát, bài thơ về biển đảo, về người chiến sĩ Hải quân vang lên giữa đại dương bao la. Từ những giọng ca chuyên nghiệp đến không chuyên, thậm chí có người chưa từng hát bao giờ mà đêm nay vẫn giơ tay xin được đứng trên “sân khấu” để được hát bằng… trái tim mình… Tất cả vì Trường Sa!

Hôm đó ban tổ chức đã vận động được 1,160 tỷ đồng từ các tập thể và cá nhân trong đoàn công tác. Số tiền này đoàn công tác sẽ giao lại cho UBND huyện Trường Sa để làm quỹ khuyến học.

…Tôi đang mơ màng thì nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông gọi đi săn ảnh bình minh trên biển. Tôi bật dậy, lấy cái áo khoác lên người, cầm chiếc máy ảnh cùng anh đi lên boong tàu. Tiếng loa báo thức quen thuộc của chiến sĩ trực ban cũng vừa vang lên. Cả tàu tỉnh giấc. Thật tiếc hôm đó mây quá nhiều nên chúng tôi chẳng săn được gì, ấm ức trở về buồng chờ bữa sáng.

Sáng hôm đó, cả tàu được ăn phở Hà Nội do chính anh Vũ Ngọc Vượng – ông chủ của hãng phở Ngọc Vượng nổi tiếng Hà thành nấu. Đã 5, 6 năm nay anh Vũ Ngọc Vượng theo đoàn công tác Hà Nội đem phở ra với các chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Dẫu phải vượt qua hàng ngàn hải lý nhưng vị ngon truyền thống của phở Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn.

Tại đảo Đá Tây A chúng tôi cũng đến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Một bộ phận đoàn công tác của Hà Nội đi làm lễ khởi công xây dựng nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá Tây C. Đúng 11h00 thì tàu nhổ neo đi Trường Sa.

Đảo Trường Sa lớn cách Đá Tây A không xa lắm nên chỉ sau 2 tiếng đồng hồ tàu đã cập cảng. Bước chân xuống tàu và tiến ngay về phía cột cờ, chúng tôi cùng chiến sĩ và nhân dân Trường Sa làm lễ chào cờ.

Trong ký ức, tôi còn nhớ lần đầu tiên mình chào cờ là lễ khai giảng năm học mới, đó là năm tôi vào học lớp một. Sau này là chào cờ trong các kỳ đại hội Đội, đại hội Đoàn, đại hội Đảng, họp Hội đồng nhân dân… Sau này triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cơ quan tôi thường tổ chức làm lễ chào cờ vào buổi sáng. Ấn tượng: vẻ thanh khiết của buổi sớm với gió nhẹ, phớt hồng bình minh, và, trước một ngày mới trong đầu chưa bị “nhồi nhét” gì nhiều… một tính thiêng đã ngân từ từ, rất nhẹ, rất khẽ, rồi tràn ngập…

Lễ chào cờ ở đảo Trường Sa lớn

Tôi biết, lần chào cờ này cũng sẽ để lại một ấn tượng không phai.

Nơi cột mốc chủ quyền một chiến sĩ trong trang phục hải quân bồng súng đứng gác. Trên đầu anh lá cờ phần phật bay trong gió. Lúc này là hơn 14 giờ, nắng gay gắt. Mồ hôi bắt đầu rịn. Đảo trưởng báo cáo và mời cấp trên chủ trì buổi lễ chào cờ.

Những người lính đảo đọc lời thề danh dự của quân nhân – nó âm vang, rắn rỏi, như gửi vào những lớp sóng ngoài kia gửi vào đất liền, truyền lan trong lòng Tổ quốc – nó cũng như gửi vượt muôn trùng sóng vỗ tới mọi người, tới thế giới, rằng, là người Việt Nam quyết không bao giờ lùi bước, quyết sống còn bảo vệ trọn vẹn cương vực lãnh thổ của đất nước, dân tộc, quyết không cúi đầu khuất phục bất kể thế lực ngoại bang nào…

Lưng áo mồ hôi dưới nắng bắt đầu thấm loang, tôi ngỡ ngàng trước những bước đi của các lực lượng vũ trang trên đảo đang duyệt binh trước lá cờ. Cảm nhận trọn vẹn cái hùng tráng, tự hào, vẻ đẹp khỏe khoắn, tự tin, sự khẳng định chắc nịch sức mạnh của quân dân biển đảo Trường Sa và cũng là của cả xứ sở Việt Nam yêu dấu từng muôn đau thương mới có được hòa bình và bây giờ quyết tâm giữ nó cho bền chắc, cho rõ ràng một bản sắc, một văn hóa, một truyền thống, một ý nghĩa hiện hữu tồn sinh…

Đảo Trường Sa cũng chính là thị trấn huyện đảo cho nên cơ quan hành chính, chính quyền được cơ cấu và làm việc theo đúng quy định của hiến pháp và pháp luật. Cơ ngơi công sở đã khang trang và điều kiện làm việc đã thuận lợi. Vị chủ tịch thị trấn thật ít nói, mà như cho thấy một ý chí, một kiên định không gì lay chuyển – anh như biểu tượng cho đời sống dân sinh với sức mạnh tiềm tàng của huyện đảo nghìn trùng…

Là một huyện, thị trấn, thì đương nhiên phải có mọi sinh hoạt của đời sống: trường học, bệnh xá, nơi thờ cúng tâm linh… Tiếng chuông chùa thoảng vào thinh không mang theo lời cầu nguyện cho đất nước bình yên; khói hương theo gió gửi về nơi thánh thần ước nguyện thiện lương, dân tộc hòa hiếu. Trên cao xanh, cũng một chủ quyền, như chứng cho dưới này biển, đảo, con người đang củng cố một thế đứng điềm tĩnh mà quyết liệt, và thân quen biết bao cái mùi hương linh thiêng, tưởng nhớ, hướng về, thanh sạch, thuần khiết cái giá trị tinh thần.

Ở phía mép đảo có mộ các liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ, đoàn công tác muốn tới đó thắp hương tưởng nhớ các anh đã hy sinh cho đất nước, cầu nguyện cho các anh được siêu thoát an lạc thì phải đi qua một chốt canh gác mà đồng đội các anh đang chắc tay súng.

Ở nơi này, trong một ngày mới, nói gì thì nói, với đông đảo cộng đồng vẫn cách trở nghìn trùng, nấm mộ bên tiếng sóng ì ào ngoài kia gây xúc động nghẹn lời. Nén nhang tưởng niệm cho người đồng bào trẻ tuổi không may thiệt phận nằm đây những ngày tảo mộ không có ruột rà không giống bất kể nén nhang tưởng niệm nào trong đời. Và tôi tin, bất kể ai, trong sâu thẳm cõi lòng khi dâng hương cho các anh cũng đều chộn rộn, ít nhiều tự nói, tự vấn. Đi qua chốt gác, nắm bàn tay người chiến sĩ định nói nhiều điều nhưng rồi lại thôi, vì nghĩ nói gì cũng là thiếu, là không đủ, là thừa; chỉ cảm nhận cái xiết chặt của đôi bàn tay lính đảo, chúc anh hoàn thành nhiệm vụ. Anh lính cười hàm răng trắng trên khuôn mặt bắt nắng gió biển đen óng như màu gỗ gụ, mà thấy cái tươi trẻ, vững chãi, thấy niềm tin, lại cả cái tình trao gửi hồn hậu thật thà, mà lại loáng đâu đó như một lời hứa với đồng bào, với đất đai sông núi…

Bất giác tôi nghĩ về trái bàng vuông – đặc sản riêng có của Trường Sa. Sự liên tưởng với nhiều người có thể kỳ cục, nhưng với tôi nó hữu lý, dễ thương.

Mùa này bàng vuông ít quả. Tìm mãi mới thấy một trái chưa rụng rốn. Nhưng đúng là bàng vuông – dầu mới chỉ bằng ngón chân cái mà đã tạo gờ vuông vuông. Tôi nghĩ đến một nét vui, chỉ thuần nét vui, nó không quan niệm, mục đích – quả của loại cây giữa ngàn trùng đại dương có lẽ không quá băn khoăn hữu ích hay không cho đời sống con người. Người chiến sĩ trẻ nhìn anh em văn nghệ sĩ chúng tôi cười: “Hoa bàng vuông cũng giống như hoa quỳnh chỉ nở về đêm. Lần sau các anh có trở lại và ngủ thăm đảo em sẽ đưa đi ngắm hoa nở”.

Nắng đã gắt, không, là nắng dội. Gió chỉ như nói thầm. Nhưng trên đảo đã có điện cho nên cánh quạt quay tít. Dưới gốc bàng vuông nhạc sĩ Nguyễn Quốc trò chuyện cùng các chiến sĩ trẻ. Tiếng nói cười tíu tít, các anh vui, và ánh sáng từ gương mặt, nụ cười vô tư hắt ra xung quanh, trong cái gắt nắng, là tuổi trẻ, chất trẻ, nhựa sống, là tin yêu, là khẳng định, tất nhiên – cả một sự vững lòng…

Rồi những bàn tay vẫy những bàn tay… Và dòng chữ “Huyện đảo trường Sa” mờ dần… Bãi cát bên mép đảo mờ dần…

Chúng tôi lại lênh đênh giữa biển Đông đi tới nhà giàn DK1 cách Trường Sa lớn 97 hải lý. Các nhà giàn DK1 ở đó, vững chắc như thành đồng bảo vệ chủ quyền vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Và có lẽ, sau hải trình đến đây, các đại biểu, phóng viên và cả văn nghệ sĩ chúng tôi nữa sẽ có thêm một nhà giàn nữa, ở trong tim mình.

Tạm biệt nhà gian DK1

Trưa hôm đó tàu Trường Sa 571 đưa chúng tôi rời nhà giàn DK1 trở lại Cam Ranh kết thúc một hải trình dài gần 1000 hải lý, suốt 7 ngày đêm lênh đênh trên biển men giữa các cụm đảo Song Tử, Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây, Trường Sa lớn và Nhà giàn DK1. Được quan sát… khám phá… hiểu… cảm thông… chia sẻ… kể lại…

Con tàu vẫn cứ lướt đi trong sóng gió đại dương còn mặt trời thì cứ trôi về phía chân trời… Sau bản tin cuối ngày, bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” của Đinh Trung Cẩn (thơ Nguyễn Phan Quế Mai) vang lên. Đang râm ran phiếm chuyện, cả buồng bỗng lặng phắc, sóng như ngừng, gió cũng như ngừng để chỉ còn tiếng ca của NSND Quang Thọ.

Thuở học trò của chúng tôi, văn học nhà trường chủ yếu dạy văn học cách mạng, tôi được nghe cô giáo giảng bài về Tổ quốc, giọng bổng trầm diễn cảm, đã có lúc rưng rưng. Bao năm rồi không còn thế nữa. Tuổi bây giờ không dễ gì bị tác động bởi những điều to tát, nhất lại là những điều na ná như khẩu hiệu hô hào hò hét. Vậy nhưng ở giữa đảo xa, thấm cái mạnh mẽ, sức lực, những cống hiến hi sinh của chiến sĩ, và, từ vị trí giữa muôn trùng khơi nhìn sâu vào đất nước với những giác quan nhạy nhất bắt gặp cái thiết tha và tấm lòng như rút ruột hiến sinh của nghệ sĩ cho nên cảm xúc dâng trào nhận diện rõ ràng một tình yêu cụ thể như sờ như nắm được. Như rùng mình. Như nổi gai ốc… Tôi lại nhớ về buổi chiều ở Trường Sa lớn, những đứa trẻ trên đảo tròn xoe mắt chăm chú nhìn NSƯT Khánh Hòa hát. Số diễn viên còn lại cùng thành viên đoàn công tác chia kẹo cho các cháu. Cô ca sĩ Khánh Hòa vừa hát vừa nắm tay từng em. Chúng không phát, bọn trẻ nhận kẹo, chạm tay với ca sĩ; chúng cười và hồn nhiên như hòa bình, như trời biển nước mây… Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông nâng máy chụp…

Đã từng nghe người ta nói nhiều, trên biển, ở Trường Sa, bình minh thường đến rất sớm – sớm hơn ở đất liền cả tiếng đồng hồ, và đi qua cũng rất nhanh – có những khi chỉ như một cái lắc mình. Trải nghiệm này, cùng với mọi trải nghiệm về con người, sự sống trên biển Đông, trên đảo không dễ gì lặp lại. Có thể rằng, sẽ nhiều lần trong phần đời còn lại sẽ cất tiếng kể chuyện, rằng, ở phía nam của Tổ quốc, trên biển Đông, đó là quần đảo Trường Sa, có những người lính biển đang bám trụ, có bình minh tỏa sớm, loang nhanh bừng sáng mặt biển.

*

Tác giả – nhà văn Vi Hợi tại Trường Sa

Bây giờ, nếu có ai đó hỏi “Đã đến Trường Sa chưa”? Tôi sẽ hãnh diện, rằng “Tôi đã đến Trường Sa”, những câu từ tưởng như ngắn gọn khô khốc ấy, nhưng chất chứa bao nỗi nhớ, niềm tự hào của một người con đất liền được ra thăm “Tổ quốc giữa trùng khơi”. Đến Trường Sa để nghĩ lớn lao hơn, để thấy mình cần phải làm gì xứng đáng với sự hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ Hải quân, để thấy nghĩa của từ đồng bào, Tổ quốc được học từ thuở nhỏ thiêng liêng và tha thiết và lớn lao biết chừng nào. Những câu chuyện về Trường Sa vẫn cứ viết tiếp trong những trang sử hào hùng của dân tộc, trong trái tim mỗi người Việt Nam, trong tôi. Có một Trường Sa như thế – một phần máu thịt, đậm hồn dân tộc giữa muôn trùng lớp sóng phía bình minh!

Vi Hợi

[1] hải lý bằng 1.852 mét