LTS: Anh Vi Tân Hợi nguyên là Phó Chủ tịch huyện Tương Dương Nghệ An, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương; hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, Chi hội trưởng Chi hội VHNT các Dân tộc thiểu số. Anh là người dân tộc Thái. Đời công tác của anh gắn với các địa bàn thuộc miền núi Nghệ An, với đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì yêu cầu công việc chung và cũng là tình cảm cá nhân, anh luôn có sự gắn bó thân thiết với các lực lượng biên phòng tại các đồn biên phòng miền Tây tỉnh nhà. Nay dù đã nghỉ hưu, nhưng những chuyến đi đến với các đồn biên phòng vẫn là niềm hứng thú, niềm vui đối với anh. Dưới đây là bài ký của anh về chuyến đi thăm các chiến sĩ biên phòng Trạm Kiểm soát Cửa khẩu Tam Hợp. Xin trân trọng gửi tới bạn đọc.

Đúng 8h30 ngày 6/1/2024, chúng tôi rời “ngôi nhà thiện nguyện” (bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) bắt đầu vượt dốc.

Trời không mưa, nhưng con dốc vẫn ướt nhèm, trơn trượt. Chiếc xe máy cà tàng cứ rú ga trườn lên từng tí một. Thượng úy Nguyễn Bá Thế phải đánh tay lái liên tục, xoay qua xoay lại như múa, vừa chọn tìm lối đi dễ nhất vừa để giữ thăng bằng không cho xe ngã. Tôi buột miệng khen: “Phải quen lắm mới đi được con đường như thế này”. Thế liền nói: “Đúng vậy anh ạ, chỉ có anh em trên trạm mới đi nổi, chứ người khác không quen đường không thể đi được đâu”. Nghe Thế nói vậy tôi nhớ lại cái hôm tôi đặt vấn đề với lãnh đạo Đồn Biên phòng Tam Hợp là muốn lên trạm kiểm soát cửa khẩu. Trung tá Ngô Văn Thiện, chính trị viên liền bảo: “Để em bàn với đồn trưởng bố trí xe ô tô đưa anh lên”. Tôi bảo: “Không! Anh không đi ô tô mà đi xe máy thôi, mấy năm trước lên đó, anh từng đi xe ô tô rồi”. Thiện cười và bảo: “Thế để em bố trí một tay lái tốt nhất đưa anh lên nhé”. Lên đến bản Phá Lỏm, Thế dừng xe chạy vào một quán bán hàng tạp hóa, mua cho tôi cái áo mưa tiện lợi và bảo tôi mặc vào nếu không sẽ ướt hết quần áo. Thi thoảng chiếc xe máy đi qua những đoạn đường đổ bê tông, chạy êm ru. Dường như đoán được suy nghĩ của tôi, Thế bộc bạch luôn: “Kinh phí không có nên đơn vị mới chỉ đổ bê tông ở những đoạn xung yếu, khó đi nhất anh ạ. Tuy vậy qua nhiều năm những đoạn đường này cũng đã hư hỏng rồi”. Ra khỏi đoạn đường bê tông, chiếc xe đang trườn lên dốc, bỗng quay ngang. Thượng úy Nguyễn Bá Thế bóp phanh, lấy chân chống đất đỡ cho xe khỏi đổ. Tôi nhảy xuống đẩy xe đi qua đoạn đường trơn trượt. “Anh có sao không? Em cũng định thay cái lốp “chân chó” cho nó bám đường nhưng cứ bám trụ ở trên trạm mãi nên cũng chẳng có thời gian thay”. Thế nhìn tôi cười giãi bày.

Nguyễn Bá Thế quê ở huyện Nghi Lộc, nhập ngũ năm 2007, kết thúc thời gian huấn luyện được điều động vào công tác ở Kon Tum, đến năm 2016 thì chuyển ra Nghệ An. Tháng 9/2023, được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An điều động lên công tác tại Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa Khẩu (Đồn Biên phòng Tam Hợp). Nguyễn Bá Thế có vợ đang ở quê làm nghề bán thuốc Tây và 2 con: trai đầu học lớp 3 và gái sau học mẫu giáo.

Đồn Biên phòng Tam Hợp phối hợp với Đại đội Bảo vệ biên phòng 251 (Lào) tuần tra, bảo vệ cột mốc biên giới.

Mải mê nghe Thế tâm sự chuyện gia đình, chiếc xe máy chạm đến “cổng trời” khi nào không hay. “Đến nơi rồi anh” vừa nói Thế vừa đạp phanh cho xe dừng trước cổng trạm. Tôi xuống xe hít thở không khí trong lành của núi rừng. Giữa lưng chừng núi, những áng mây xám trôi bồng bềnh hòa với màu xanh cây cỏ. Thật là một khung cảnh thiên nhiên hữu tình, đẹp như bức tranh vẽ giữa đại ngàn biên giới. Tôi bước vào trạm và nhận ra người quen là Thiếu tá Phan Trọng Thái. Thái quê ở huyện Anh Sơn, nhập ngũ năm 1993, phần lớn thời gian binh nghiệp anh công tác ở vùng biển. Anh lên đây vào hồi tháng 2/2019. “Cơn gió nào đưa anh lên đây thế?”. Thái nhìn tôi cười. “Gió biên phòng chứ còn cơn gió nào nữa”, tôi nhìn Thái mỉm cười đáp lại. Thái tiếp lời tôi: “Đúng anh ạ, ở trạm này chỉ có đặc sản gió thôi”. Hơn chục năm về trước tôi đã từng lên đây đôi ba lần. Quả như Thái nói, ở đây chỉ có gió là gió. Không hiểu sao gió lại nhiều như thế, những cơn gió ào ạt, mạnh mẽ nhưng không cuồng bạo. Ở đây không có cây cao che chắn nên bốn mùa gió quần quật thổi tao tác những vạt cỏ mây, cỏ đuôi chồn. Như phát hiện ra điều gì đó rất mới mẻ, tôi cười thầm trọng bụng: “Gió biên phòng – một thứ đặc sản phóng túng và kiêu hãnh. Không ở đâu gió thổi mãnh liệt như nơi này”.

Lúc này đồng hồ đã chỉ sang 10h15. Biên giới, ngày cuối năm lạnh buốt tháu xương, mưa phùn giăng mắc lối đi, trời đất âm u. Chỉ có gió là vô tư thổi ào ạt, cuộn lên rồi lại vòng xuống, xô cây rừng nghiêng ngả. Trạm kiểm soát biên phòng nhỏ nhoi trong cơn giông vần vũ nhưng không hề run sợ trước cuồng phong. Như vậy là mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ tôi và Thế mới có mặt tại trạm. Trạm nép mình trên đỉnh núi cao, phía bên kia, cách cột mốc không xa là Đồn Công an Cửa khẩu, sau lưng là cụm bản Thoong Mi Xay, thuộc huyện Viêng Thoong, tỉnh Bulikhamxay của nước bạn Lào. Tuy đã được xây dựng khá kiên cố, thế nhưng thời gian và khí hậu nơi đây đã làm cho một số hạng mục của trạm đã xuống cấp. Xung quanh nhà trạm được cơi nới ra để làm bếp ăn và nơi sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ, bốn bề đều được che kín bằng những tấm nhựa trắng để lấy sáng và che gió, sương. Trong nhà có một chiếc ti vi nhưng chỉ để các chiến sĩ hát karaoke chứ không xem truyền hình được. Cạnh sân là một mảnh vườn nho nhỏ, được các chiến sĩ chăm bẵm hàng ngày nên những những khóm rau cứ xanh mơn mởn.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát Cửa khẩu, Đồn Biên phòng Tam Hợp và Đồn Công an Cửa khẩu Thoong Mi Xay (Lào) thường xuyên phối hợp xây dựng cửa khẩu hòa bình, hữu nghị

Trong sắc trời âm u, không gian càng thêm tĩnh lặng. Trạm được biên chế 5 người, có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát người qua lại biên giới; cùng với đơn vị là Đồn Biên phòng Tam Hợp quản lý, tuần tra, bảo vệ đường biên giới quốc gia. Rất tiếc hôm tôi lên thì Thiếu tá Nguyễn Cảnh Lộc đang đi công tác nên không gặp được. Cả trạm chỉ còn lại 4 anh em, Thiếu tá Trương Văn Hồng, nhập ngũ tháng 2/2004, đã từng công tác ở nhiều đơn vị biên phòng, trên rừng, dưới biển, từ Bắc vào Nam đã chia sẻ: “Ở biên giới Tam Hợp mùa hè cũng như mùa đông sương núi lạnh buốt, có thời điểm đi tuần tra cán bộ chiến sĩ không nhìn thấy mặt đường. Nhưng mọi người vẫn quyết tâm tiến về phía cột mốc, bảo vệ đường biên an toàn, nhất là dịp cuối năm”. Khi tôi hỏi về chuyện gia đình, nhà cửa, Hồng cho tôi biết, quê anh ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, nhưng hiện nay gia đình anh đang sống ở phường Bến Thủy, thành phố Vinh. Vợ anh là giáo viên tiểu học, các con của anh còn nhỏ và đang đi học, đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi. Câu chuyện gia đình qua nhanh sau chén trà nóng ấm, chúng tôi lại trở về với câu chuyện thường ngày của người lính biên phòng. Vừa đổ nước từ trong cái phích vào ấm trà, Thượng úy Nguyễn Bá Thế vừa nối dài câu chuyện. “Nhiệm vụ chính của anh em ở trạm là kiểm soát an ninh, xây dựng cửa khẩu hòa bình, hữu nghị. Nhưng anh em vẫn phải tham gia vào kế hoạch công tác chung của đơn vị, những cuộc tuần tra xuyên núi vẫn đều đặn được tổ chức, bởi đó là nhiệm vụ thiêng liêng của người chiến sĩ biên phòng. Bất kể thời tiết nắng mưa, anh em đều không nản chí, cùng góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Ngoài ra, mỗi khi nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân phát hiện có đối tượng lạ xuất hiện ở khu vực biên giới, ngay lập tức anh em có mặt kịp thời để kiểm tra xử lý, đảm bảo vùng biên luôn được an toàn. Những chuyến tuần tra cuối năm, anh em luôn xác định tinh thần “ăn sương núi, ngủ mưa rừng”, cùng nhau quyết tâm vượt qua khó khăn để bảo vệ biên giới an toàn”. Thiếu tá Phan Trọng Thái cho biết thêm: “Tình hình địa bàn thì chẳng có gì phức tạp, vì đường đi còn quá vất vả, vả lại đời sống kinh tế của nhân dân địa phương ở 2 bên còn nhiều khó khăn nên lượng người đi lại còn ít, chủ yếu là qua lại thăm người thân. Bà con qua lại nhiều nhất là vào dịp tết cổ truyền của đồng bào Mông. Tuy nhiên, những năm dịch Covid-19 hoành hành anh em ở trạm cũng phải trực thau đêm suốt sáng”.

Chăm sóc vườn rau để đảm bảo cuộc sống cũng là nhiệm vụ của các chiến sĩ Trạm Kiểm soát Cửa khẩu Tam Hợp

Lực lượng bảo vệ biên giới của Lào có mối quan hệ phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Hợp và Trạm Kiểm soát Cửa khẩu là Đại đội bảo vệ biên giới 251 và Đồn Công an cửa khẩu Thoong Mi Xay, tỉnh Bolikhamxay (Lào). Thiếu tá Phan Trọng Thái tâm sự: “Đồn Biên phòng Tam Hợp quản lý hơn 25 km đường biên với 4 cột mốc và 5 cọc dấu, đơn vị thường xuyên tuần tra, bảo vệ biên giới. Hàng tháng đơn vị đều tổ chức các đợt tuần tra biên giới. Hàng quý đơn vị phối hợp với các đơn vị của nước bạn tiến hành kiểm tra song phương. Có những cột mốc ở xa, mỗi đợt tuần tra bảo vệ phải mất 5 ngày cả đi và về, phải mắc võng ngủ rừng, nhiều lần mưa gió, không thể đốt lửa nấu ăn được, cán bộ chiến sĩ phải ăn lương khô”. Thượng úy Nguyễn Bá Thế cho biết, vùng biên giới Tam Hợp hầu như không có khái niệm mùa khô hay mùa mưa, bởi nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, sương mù dày đặc quanh năm. Cứ bước ra khỏi trạm là phải đối mặt với những cung đường rậm rạp; quần áo, lều võng bỗng chốc ướt sũng. Có nhiều khi mưa gió liên miên, nước suối dâng cao bất ngờ nên người lính phải bám vào gốc cây để thực thi nhiệm vụ.

Hơn 10 năm về trước tôi cũng đã từng đến đây với tư cách là người đại diện cho chính quyền địa phương cùng phái đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam và Lào để định vị vị trí cắm mốc trong kế hoạch tôn tạo và tăng dày hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào đoạn qua phía tây nam tỉnh Nghệ An. Địa hình ở đây chủ yếu là núi đá, đường biên giới chạy trên đường phân thủy của các dãy núi cao, độ dốc lớn, nhiều đoạn phải vượt qua những vách núi dựng đứng. Các đơn vị phân giới cắm mốc giữa ta và bạn đã chung lưng đấu cật hàng tháng trời giữa chốn rừng sâu để hoạch định các vị trí đường biên, mốc giới… Thiếu tá Phan Trọng Thái cho biết: Ngày trước, đi xác định vị trí cắm mốc đã quá vất vả, để dựng được một cột mốc trên biên giới cònkhổ gấp vạn lần. Các vị trí cắm mốc đều nằm trên đỉnh núi, chỉ có thể bò lên được thôi! Thân mốc được làm bằng đá hoa cương nguyên khối nặng tới gần 1 tấn, cộng với gần 10 mét khối bê tông gia cố móng. Vận chuyển một cột mốc thực sự là một bài toán nan giải, anh em phải lấy bao tải, chăn bông cũ bọc lại rồi kéo dần lên. Có khi mấy ngày trời mới đưa được cột mốc đến vị trí tập kết. Mọi người thường nói vui: “Kéo cột mốc như cha anh xưa kéo pháo vào trận địa vậy!”.

Trước giờ cơm trưa, Thiếu tá Phan Trọng Thái đưa tôi sang thăm Đồn Công an Cửa khẩu Thoong Mi Xay (Lào). Nghe tin, Thiếu tá – Đồn trưởng Onkeo JalerSak ra tận cột mốc biên giới đón chúng tôi. Anh cho biết, đơn vị có 10 anh em, nhưng hôm nay 07 chiến sĩ đã xuống bản, chỉ còn lại 03 anh em ở lại trực. Tôi tặng anh em mấy thùng mì tôm rồi hỏi han công việc. Anh cho biết: “Định kỳ hàng tháng, hàng quý Đồn Công an cửa khẩu cùng với Trạm Kiểm soát cửa khẩu và Đồn Biên phòng Tam Hợp tiến hành hội đàm luân phiên, trao đổi thông tin, nghiệp vụ, phối hợp tuần tra song phương, giữ gìn trật tự biên giới và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; cùng nhau xây dựng cửa khẩu hòa bình, hữu nghị. Những đợt tuần tra cuối năm, ngoài tổ chức phát quang tuyến đường biên giới, vệ sinh môi trường khu vực cột mốc, chúng tôi tổ chức lễ chào cờ cột mốc biên giới rất trang trọng. Mỗi lần dừng chân ở cột mốc, câu chuyện lịch sử hình thành cột mốc lại được giới thiệu khiến nhiều người cảm động”.

Tác giả Vi Hợi (thứ 2 từ trái qua phải) chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chiến sĩ Trạm Kiểm soát Cửa khẩu Tam Hợp và Công an cửa khẩu Thoong Mi Xay (Lào) tại cột mốc số 426.

Chuyện trò cùng các chiến sĩ, chúng tôi biết thêm những vất vả hiểm nguy mà người lính thời bình vẫn phải đối mặt. Băng rừng vượt núi cả ngày mưa, toàn thân các anh nhuốm đầy màu sương gió. Làm nhiệm vụ giữa rừng, các anh rất dễ bị các loài động vật tấn công, nguy hiểm nhất là rắn độc. Gian nan liên tục thử thách sức trẻ, nhưng cũng chính nó đã giúp người lính quân hàm xanh thêm trui rèn bản lĩnh. Các anh rắn rỏi đương đầu, xem mọi gian nguy như là lẽ thường phải vượt qua trên đường làm nhiệm vụ. Nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, Thượng úy Nguyễn Bá Thế được rèn giũa, học hỏi nhiều điều, giúp anh thêm trưởng thành hơn trong suy nghĩ, hành động. Thế vẫn nhớ kỷ niệm ngày đầu lên đường tuần tra, dù đã được trang bị đầy đủ nghiệp vụ lẫn thể lực, nhưng vẫn không tránh khỏi mệt nhoài. Những tưởng sẽ rất khó thích nghi, nhưng hơn 17 năm gắn bó biên cương, mỗi lần được cùng đồng đội tuần tra biên giới anh đều thấy tự hào hơn khi được khoác lên mình màu xanh áo lính. Có thâm niên 20 năm công tác ở biên giới, Thiếu tá Trương Văn Hồng gắn bó với đồn nhiều hơn ở nhà. Năm tháng thanh xuân ở biên cương đã giúp anh thấm thía hơn giá trị phên dậu Tổ quốc. Anh tâm tình rằng, kỷ niệm về đơn vị, về biên cương nhiều lắm, chất chồng theo năm tháng. Đã là lính biên phòng, ai cũng ít nhiều được đón Tết trên biên giới. Vào thời khắc giao mùa, các chiến sĩ tự tạo không khí xuân cho mình bằng những câu chuyện tếu táo, những bài hát trên cung đường tuần tra. Sẽ có chút thương nhớ về hậu phương, nhưng khoảnh khắc ấy cũng trôi nhanh, bởi hơn ai hết, các anh hiểu trách nhiệm, vinh dự mà Đảng, Nhân dân giao phó.

Một mùa xuân nữa lại về nhưng và chiến sĩ quân hàm xanh vẫn đứng đó, không rời bước, ngày đêm bám trụ biên cương, gìn giữ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ sự bình yên cho Nhân dân. Tạm biệt các anh – những người lính biên thùy thương mến và xin gửi lại miền biên cương này của quê hương sự tin yêu, trân trọng!

Vi Hợi