LTS: Đất nước đã độc lập, thống nhất gần 50 năm. 50 năm – chúng ta đang được sống trong hòa bình, hạnh phúc; được tận hưởng những giá trị, đúng hơn là sự “vô giá” của Hòa bình. Đồng thời, chúng ta không bao giờ quên được quá khứ, những đau khổ, hy sinh của đồng bào mình trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, để càng thấm thía giá trị của hai chữ “hòa bình”.

Một câu chuyện vô cùng xúc động, đầy đau thương về một gia đình ở miền Nam trong thời gian chia cắt suốt 20 năm của cuộc chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, qua tự sự của tác giả Phạm Mỹ Ngọc – cũng là thành viên của gia đình ấy – hẳn sẽ lấy đi không ít nước mắt của độc giả. Câu chuyện đã ghi lại những gian khó, ác liệt, đau thương tận cùng của chiến tranh; đầy xúc động từ những mất mát, hy sinh; thấm đẫm tinh thần yêu nước, quật cường qua số phận điển hình của một Người Mẹ.

Tác giả Phạm Mỹ Ngọc (sinh năm 1948) đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh cùng con cháu. Bà là con gái của Liệt sỹ Phạm Long – một trong những chỉ huy đầu tiên của “Đoàn tàu không số” – Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tác giả cũng là bạn học cùng lớp tại Khoa Cơ khí Động lực, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với nhà văn (NV) Võ Văn Hải. Bà từng là hoa khôi của Trường. Năm 2023, bà đã gửi cho bạn mình “Hồi ký tự sự” này như một sự chia sẻ. NV Võ Văn Hải trao đổi với nhà LL&PBVH Nguyễn Thế Kỷ, thấy sự cần thiết phải chia sẻ ra cộng đồng; ông Nguyễn Thế Kỷ cũng bày tỏ ý nguyện dựng thành phim bởi câu chuyện thực, hội tụ nhiều yếu tố lịch sử, có độ sâu, rộng và đủ dữ dội, hy sinh, mất mát của cuộc chiến. NV Võ Văn Hải đã giữ nguyên vẹn nội dung, biên soạn lại ít nhiều, nhằm ‘trau chuốt diễn đạt’ có thể đối với hồi ký này, và gửi đến Tạp chí Sông Lam tác phẩm – “Má và em gái tôi”.

Nhân kỷ niệm ngày 30/4, Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu tác phẩm ký “Má và em gái tôi” (2 kỳ). Kỳ 1 đã đăng trên Sông Lam số 41 (tháng 3/2024). Số này, chúng tôi tiếp tục gửi đến quý bạn đọc kỳ 2 của tác phẩm. Trân trọng!

(Kỳ 2)

Tác giả Phạm Mỹ Ngọc và bố – Liệt sĩ Phạm Long – một trong những chỉ huy đầu tiên của “Đoàn tàu không số” trên biển trong chiến tranh chống Mỹ

Một bữa, có một người phụ nữ đến gặp em, nói:
– Con có muốn gặp ba, gặp chị con không?
Em mừng quá:
– Dạ có chứ! Mà làm sao gặp được hả dì?
– Nếu con muốn, dì sẽ đưa con đi.
Dì ấy đưa cho em một đòn bánh tét, một đôi dép râu, một cái nón:
– Con về tắm rửa, ăn bánh, ngủ sớm đi một giấc nhé. Khuya dì đến đưa con đi.
Tôi hỏi vội:
– Đi đâu, em? Chị ở hoài ngoài Bắc cơ mà?

Khuya, dì ấy đến. Dì bảo đưa cả con nghé đi theo, nếu ai gặp mà hỏi thì con chỉ nói là “con đi bán nghé, lấy tiền làm giỗ cho ông bà. Không nói gì thêm nghe, mọi việc gì lo”.

Hai dì cháu đi mãi trong đêm, không gặp ai cả. Cứ đi miết, qua bao nhiêu là rừng, là suối. Trưa hôm sau, hai dì cháu cùng con nghé đã đến nơi, an toàn. Đó là một buôn làng của người Ba Na, sau mới biết là quê hương Anh hùng Đinh Núp.

Dì gửi em cho một gia đình Ba Na, bảo: “Mai dì sẽ đến đón”. Nhưng, dì ấy đã không trở lại.

Từ bấy, hàng ngày em được bà chủ nhà nuôi. Em chăn nghé, ra suối mò cua bắt cá, hái rau… cùng bà chủ. Em đi rẫy, trồng khoai sắn, trồng bắp, đi rừng lấy củi, thậm chí còn đi săn thú, bắn chim với ông chủ. Vô tình, em trở thành người Ba Na. Người Ba Na không nói tiếng Kinh, sau hai năm thì em không nhớ tiếng Kinh nữa.

Tôi lại ôm lấy em gái:
– Trời ơi! Tội nghiệp em tôi! Người má Ba Na quý hóa ấy bây giờ ở đâu rồi, em?
Mỹ Ngà mếu máo, lắc đầu:
– Em không biết nữa, lúc đó em mới lên mười. Em chỉ nhớ một hôm đi chợ bán rau, ngồi và đứng bên cạnh em là hai cô người miền Tây bán gà. Cô lớn tuổi hơn nom rất đẹp và sang trọng. Cô bảo: “Cô tên Sáu, hôm nay đi thăm chợ, rẽ lại đây dặn người nhà chút việc – cô chỉ tay vào cô trẻ hơn, đang ngồi bán mấy lồng gà lớn. “Cháu người Kinh hay Ba Na?”
– “Thưa, cháu người Kinh. Nhưng cháu không có ba má nên làm con nuôi người Ba Na ạ”.
Cô ấy ngắm em kỹ lắm, rồi nói: “Vậy cháu về ở với cô đi! Cô thấy thương cháu lắm!”. “Dạ… Nhưng… nhưng con sợ ba má nuôi… không đồng ý?”.
– “Không sao! Cô sẽ đến, thưa gửi với họ, rồi xin con về với cô”.
Cô Sáu theo em về, cô trao đổi gì đó khá lâu với ba má nuôi. Em ở ngoài xa nhìn vào nhà, thấy ba má cứ quay sang nhìn nhau, lắc đầu nhè nhẹ. Sau lại thấy ba má cười méo mó, gật đầu. Hóa ra, ba má cũng như người dân cả vùng Buôn Mê Thuột này đều biết cô Sáu. Cô là vợ ông Ronel, người Pháp, chủ đồn điền cà phê nổi tiếng.

Em theo cô Sáu về, để con nghé lại cho ba má. Ba má nuôi đi theo mãi hàng cây số. Lúc chia tay, mắt họ đỏ hoe, dặn dò em nhiều lắm. Em khóc nên không nhớ những gì. Đường về nhà ba má nuôi, bây giờ em cũng không nhớ nổi. Em cũng không hiểu nổi, có sức hút gì đó bí ẩn mà khi cô Sáu đề nghị, em đã đồng ý ngay.

Từ đó em được ông bà Ronel chăm sóc. Em không giống người ở đợ, cũng không là con nuôi. Hàng ngày, em chỉ có việc chơi với các con ông chủ. Ông có ba người con, Anđrê – anh cả, Fêric – em trai, và Emri – em gái út. Ông chủ mời thầy về dạy cho các con, em được học ké. Môn em được học và biết nhiều nhất là toán và địa lý, riêng tiếng Pháp thì em phải học, phải biết vì cả nhà họ chỉ nói tiếng Pháp. Em học và viết bằng tiếng Pháp, không biết chữ Việt, đến giờ vẫn chưa viết được chữ Việt. Em định học mấy lần rồi lại thôi. Mà em học khá lắm chị ạ. Em nắm bài nhanh hơn cả Anđrê, anh này hơn em ba tuổi. Nhiều lần, em nhắc bài cho các cậu ấm. Công chúa út Emri thì suốt ngày bám em, nó thích chơi trò cưỡi ngựa. Em mến thương, lại rất chiều các con ông chủ, nên cả nhà thương quý em lắm.
Sắc mặt Mỹ Ngà có giãn ra đôi chút. Tôi nắm tay em gái:
– Sau, em tìm được má như thế nào? Về quê hả?
– Tội má lắm! Sau 5 năm tù tội thì cuối cùng má cũng được thả về. Lúc đó má đã 33 tuổi, nghe nói là chỉ còn nắm xương, gầy gò xanh xao. Về đến làng, tin đầu tiên má nhận được là Mỹ Châu đã chết, tiếp theo là Mỹ Ngà mất tích. Người quê kể là má khóc quá trời. Má dò dẫm đi kiếm tìm mộ con suốt dăm bảy cây số ven đường, rộng ra cả ngoài vùng theo bà con chỉ dẫn. Nhưng nào có tìm được. Đã 3 năm, gò đất nhỏ nhoi đã bị trâu bò và thời gian san phẳng. Má gào khóc như điên dại. Mấy ngày liền cứ cắm hương bên đường, suốt chiều dài mấy cây số. Ruộng nương mất hết, nhà đã bị đốt sạch, cái chuồng nghé cũng đã bị phá đi. Má phải ở trọ nhà hàng xóm – những người đã từng là trai cày gái cấy nhà mình ngày trước.

Má tiếp tục thăm dò tìm kiếm em, nhưng em rời làng lên rừng bí mật như vậy thì ai mà biết được. Chắc lúc đó má đau đớn lắm, vì mất một lúc hai đứa con!

Được đâu một tuần thì xã cho dân vệ đến nhà má đang ở đỗ, chúng thẳng tay trục xuất, áp giải má ra khỏi địa phương: “Đi ngay! Ở đây rồi mà gây rối hả? Chúng tao không chứa cộng sản, phiền phức”.

Má đành ra đi. Một người lạ nào đó tình cờ gặp, đã bày cho má lên miền ngược làm cu ly cho đồn điền cao su, ở đó họ thiếu người làm. Má trở thành thợ cạo mủ cao su từ đó, suốt ngày ở ngoài rừng, đêm ngủ tập thể trong lán cu ly.

Một bận, bà Ronel đi phát tiền công và kiểm tra hiện trường trang trại, bà kéo em đi theo để phụ việc. Trời đã thương! Em đã gặp má trong đám cu ly đến nhận tiền. Má và em đều há miệng ra, không kêu lên được, rồi mới ôm nhau khóc. Bà chủ đứng nhìn, rồi rút mùi soa lau nước mắt.

Bà chủ đưa ngay em và má về ra mắt ông chủ. Mắt ông chủ dướn lên, rồi nhíu lại, ông có vẻ ngạc nhiên vì cuộc gặp kỳ lạ, khó tin của hai má con. Trên salon phòng khách sang trọng, ông bà chủ ngồi đối diện với má và em. Ông Ronel ngồi hỏi chuyện, rồi chăm chú nghe má kể bao đoạn trường đã đưa má đến đây. Má nói bằng tiếng Pháp, cuộc “trần tình” hội thoại dài cả tiếng đồng hồ; ông chủ thở dài và khe khẽ lắc đầu: “Từ hôm nay, madam không phải lên rừng nữa, madam đã từng là điền chủ lớn, lại biết tiếng Pháp, hãy ở đây làm quản gia giúp chúng tôi”.

Má đã làm quản lý cho ông chủ 4 năm. Em được sống những ngày khá yên ổn. Em không biết hiệu quả công việc má làm, nhưng thấy rõ ông bà Ronel càng ngày càng quý mến tin tưởng má. Người làm công ở đó trọng má gần như bà chủ. Dần dà, gia đình ông Ronel coi em như con cái trong nhà. Rồi một hôm, má vui lắm, bảo là ông bà chủ đã quyết định cắt riêng cho má con em một khoảnh đồi rộng hàng mấy hecta đất. Hai má con ra ở riêng từ đó, đầu tiên là ở nhà dựng tạm trên đất đó.

Má lo làm ăn theo nghề ông chủ, phát lắm. Má mở rộng kinh doanh xuống tận Sài Gòn. Nhà mình lại có người làm thuê ở mỗi cơ sở. Rồi má cất được khu nhà gỗ khang trang, là các ngôi nhà bây giờ.
Thấy trời đã trưa, tôi bảo em tạm nghỉ, hẹn tối kể tiếp.

Buổi tối, cơm xong, hai chị em xin phép má lên gác ngủ cùng nhau để tâm sự. Má vui vẻ bảo hai cháu bé – con của Mỹ Ngà – hãy ngủ cùng má.
Tôi thầm thì hỏi Mỹ Ngà:
– Sao em lấy chồng sinh con sớm thế, mới có hai mốt mà đã 4 con! Mà chồng đâu? Lại có 3 đứa nhỏ ở căn bên nữa, chị nhớ là đến bữa thì có đến 9 người ăn. Má không giới thiệu, chắc có gì khó nói nên chị không dám hỏi má.
Mỹ Ngà lại mếu máo:
– Có nhà ở riêng, cuộc sống đã khá lên, lại ở mãi trên cao nguyên xa xôi này rồi, tưởng là yên ổn, nhưng má và em đâu có được yên!

Từ khi ở riêng, ra khỏi bóng ông chủ Pháp, má con cô độc, nên bọn ác ôn “tự nhiên như ruồi”, cứ xộc đến nhà mình một cách tùy thích. Nói là giám sát thành phần đối lập, có tên trong sổ đen. Chúng hoạnh họe, sức giấy triệu tập hoặc trực tiếp đến nhà áp má lên xã, thường xuyên bắt má viết bản tự khai hoạt động trong thời gian sát trước, căn vặn, tra hỏi có liên lạc gì với Việt cộng không… Đi ra khỏi vùng, má phải lên xã xin giấy phép, đi về phải trình báo. Mỗi lần chúng gọi lên, em thấy má như người mới ốm dậy khi trở về. Nhiều đợt chúng giam má qua đêm. Hậu quả của những đợt giam ngắn ngày ấy là má có thêm hai đứa con gái mà không biết ba của chúng là ai! Ác ôn là cả bầy mà. Má đẹp, chúng mê, nên đã bày trò, lợi dụng lý do giám sát gia đình cộng sản để gọi hỏi, giam cầm, ép hiếp. “Trời ơi! Ở nhà giam Khánh Hòa, nhiều người bị, nhưng má đã may mắn thoát nạn hiếp ép của cai ngục, vậy mà khi đã ra khỏi nhà tù…”. Mỹ Ngà nức nở.

Má có thêm một đứa con trai nuôi nữa. Đứa bé này là con của một sĩ quan Hàn Quốc với một phụ nữ Việt. Sinh con xong, má nó mang con vào doanh trại lính Hàn, thả cho bố nó rồi bỏ đi mất dạng. Thằng Hàn cùng lính tráng của nó, bằng cách nào đó mà nuôi được thằng bé đến 3 tuổi. Lúc tập trận, lúc hành quân, chúng cũng xách thằng bé đi theo, kể cả khi chúng đi Campôt. Rồi bố nó chết trận. Má vào trại lính bán hàng, thấy thằng bé ngơ ngác giữa bầy lính, không ai ngó ngàng tới nên thương cảm, xin đưa về nuôi. Thằng bé này xinh đẹp và rất hiền lành, lành đến mức khù khờ.

Còn em, em phải lấy chồng lúc 16 tuổi. Bọn lính ngụy thường xộc đến nhà mình còn nhiều hơn các thủ lĩnh ác ôn của chúng. Người ta nói em xinh gái nên chúng thích. Má bảo em còn nhỏ dại, chưa tính chuyện đó. Vậy là có mấy thằng chỉ huy đến nhà, tuyên bố thẳng với má: “Bà định để dành con bé cho Việt cộng hả? Phải gả con gái cho lính Quốc gia! Nếu không, chúng nó sẽ ném lựu đạn vào nhà, giết cả nhà. Chờ đấy!”. Má và em cũng hoảng. Bọn này thì không lường trước được điều gì! Vậy nên, một dịp có một anh thợ mộc đến sửa đồ gỗ, anh ta ngỏ ý, thấy hiền lành nên má và em đồng ý. Từ đó, lính ngụy không quấy phá nữa.

Em sinh đứa đầu lúc 17 tuổi. Chồng em chí thú làm ăn, sau bảy năm, chúng em có hai trai, một gái. Vậy là má con nuôi 7 đứa trẻ, cũng vất vả lắm, nhưng khổ mấy cũng chưa bằng thời má ở tù. Em gắng hết sức làm việc nhà, trồng cà phê, trồng lúa, bắp, đậu xanh, đậu đỏ… trên rẫy. Lúc nông nhàn thì đi buôn bán cà phê, thuốc lá khắp miền xuôi ngược. May nhất là có má đỡ đần, chỉ dẫn. Bọn trẻ nhờ vậy mà được ăn học đầy đủ, quần áo tử tế chứ không phải như bọn em ngày xưa.

Mọi việc đang êm êm thì chồng em bị gọi lính. Phải đi, vì trốn lính thì ngồi tù. Má than: “Chạy trời không khỏi nắng!”. Chồng em bị điều vào lính hậu cần, lái xe quân dụng cho Bộ Tư lệnh ngụy ở Buôn Ma Thuột. Vào lính được ba tháng, đúng ngày giải phóng Buôn Ma Thuột, 10/3/1975, thì xe anh ấy bị quân Giải phóng chặn đánh. Xe cháy, người chết. Sau 3 ngày mới lấy được xác về chôn. Anh ấy chết chỉ cách ngày 30/4 giải phóng có năm chục ngày!…

Tôi quay người sang, ôm chặt em gái:
– Tội nghiệp em quá đi!
– Chưa hết chị ơi. Sau ngày giải phóng mấy hôm thì nhận được tin ba đã hy sinh. Má ngất lên ngất xuống. Em lại khóc cạn nước mắt. Má lại gào khóc thảm thiết, rằng: “Ngày vui của non sông, sao thân tôi còn đau đớn thế này! Ông trời ơi!…”.

Rồi má dặn em trông nhà, điều hành thay má, để má về ngay Sài Gòn, tìm gặp Ủy ban Quân quản để lục tìm chỗ ba nằm. Công việc tiếp quản thành phố mới sau ngày giải phóng hết sức bận rộn, nhưng tổ chức đã cử cán bộ tiếp cận ngay với đơn vị của ba, đó là Lữ đoàn 125, tên khác là “Đoàn tàu không số” của Quân đội, đường đi của đoàn tàu này còn gọi là “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Lữ đoàn cử người đưa má đến chỗ ba hy sinh, đó là một vùng đồi núi thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Bình Định. Được biết: ba lúc đó trong top chỉ huy Đoàn tàu không số. Ba cùng một cần vụ đi công cán, xuất phát từ vịnh Vũng Rô lên chiến khu để họp. Vũng Rô thuộc Phú Yên là địa bàn bí mật, từng tiếp nhận hàng ngàn tấn vũ khí từ miền Bắc vào… Cả hai người đã cải trang thành lái buôn đường dài: quần cộc, túi mang, đi bộ, nhưng bọn địch đã theo dõi và phát hiện được. Chúng đã huy động nhiều loạt máy bay cùng tàu chiến trên biển ném bom và nã pháo cỡ lớn cấp tập xuống chân núi mà hai người đang đi qua. Cuộc hủy diệt của chúng kéo dài hơn hai giờ đồng hồ. Ba và chú cần vụ kịp chạy vào một hang núi nhỏ, nhưng sau đó hang đã bị bom đạn vùi lấp. Đêm thứ ba, dân làng gần đó mới dám đi ra đào bới tìm kiếm, họ sợ bom và pháo kích đợt tiếp. Khi bới được hang ra thì cả hai đã chết. Vì sức ép, vì ngạt?! Trong đêm, người ta chôn hai người trên rừng đó. Chôn vội vì vẫn sợ địch nã pháo bất chợt – đây là vùng “ngày địch – đêm ta”. Đã gần chục năm, lại chôn đêm, chôn vội vàng, cây rừng phủ kín vết, nên không ai nhớ vị trí nào. Má và đồng đội của ba đã loay hoay ở đó hàng tuần lễ, không tìm thấy dấu tích nào, đành tạm quay về.

Hai chị em lại ôm nhau khóc. Cố nén khóc to, sợ má nghe. Mỹ Ngà nghẹn ngào:
– Không tìm được mộ ba, em rất hoảng vì thấy má trở về với dáng vẻ thất thần, mấy ngày liền đi đứng vật vờ, thường ngồi một mình, không nói. Rồi đột nhiên má thuê người dỡ căn nhà gỗ chính ở đây để chuyển về quê. Căn đó lớn hơn 3 căn còn lại này rất nhiều, toàn gỗ quý nhất. Má nói: “Chuyển về quê, đặt bàn thờ ba, ở đó trông nom”.

Em ngập ngừng hỏi má: “Người ta đuổi mình đi rồi, về sao được má?”. Má buồn bã nhìn em như nhìn một nhóc tỳ: “Chúng nó ôm càng trốn lủi, chạy hết ráo rồi. Bây giờ, mình là chủ, như ngày xưa. Bao nhiêu là khổ đau xương máu mới có được ngày rày. Con hiểu chưa? Những gì chúng ta đã bị ăn cướp thì giờ bọn nó phải trả!”.

Má vững tin như vậy. Đây là lần má trở về quê với tâm thế khác, khác hẳn đận áp trước – lúc má mới ra tù, về lại làng, mất con, mất nhà cửa ruộng nương, rồi lại bị trục xuất khỏi làng, đã 15 năm nay.

Hai má con thuê một đoàn xe “baluya” chở nhà về quê. Và má đã vỡ mộng! Từ đận về trước, má đã biết là nhà cửa của ông bà ngoại xưa đã bị đốt sạch, còn giờ đây, ruộng vườn, trang trại, ao đầm cũng đâu có còn. Họ đã chiếm dụng, chia nhau hết. Chính quyền mới lại đã có thông báo sẽ đưa tất tần tật vào hợp tác xã, làm của chung.

Má lên gặp Ủy ban xã: “Các vị có định trả lại đất của nhà tôi, để chúng tôi làm nhà thờ cúng liệt sĩ không?”. Mấy chú lãnh đạo xã, còn khá trẻ, lúng túng nhìn nhau, “Dạ thưa má, chúng con mới tiếp quản, hầu hết là người vùng khác được điều động tới, chưa thấu việc. Xin má chờ để chúng con lấy tài liệu và xin chỉ đạo của cấp trên ạ”. “Chỉ đạo kiểu gì, thì chỉ. Ngụy nó trấn lột, nó cướp tài sản gia đình Việt cộng, Cách mạng phải trả lại cho người bị cướp. Sung vào hợp tác hay không, và sung bao nhiêu là quyền của chủ tài sản, nhưng chắc chắn là bên ta không có chủ trương sung đất ở, sung đất thờ gia tiên. Tôi chờ, nhớ sớm. Đồ gỗ dựng lại nhà đang xếp chờ ngoài kia”…

Cuối cùng thì đành chịu mất hết tài sản. Má lại tay trắng giữa làng mình.

Tác giả Phạm Mỹ Ngọc cùng con trai (bên trái) và gia đình má nuôi

Tôi xin phép má để cùng Mỹ Ngà về thăm quê: “Đận trước, con nóng lòng gặp má, dân làng họ nói không rõ má ở đâu, là con vội đi ngay. Con muốn nhìn lại chốn sinh thành quá, má!”.

Ra đi lúc lên sáu, xa quê hai mươi năm, nhưng tôi vẫn nhớ khá rõ chi tiết ngôi làng đẹp đẽ ngày thơ ấu. Nhìn chung vẫn thế, có điều những hình ảnh thân thương nhất đã không còn. Nhà cửa đã bị đốt, khuôn viên vườn tược, ao đầm mênh mông… đã bị băm chia nhỏ, khoanh vùng cho từng hộ. Mỹ Ngà cứ đứng tần ngần mãi bên đường, trước chỗ có cái chuồng nghé ngày xưa. Bà con lối xóm không ai biết hai chị em, chỉ khi xưng là con gái “cô Ba Phú Nông” thì người ta mới ồ à, râm ran. Hầu hết là các ánh mắt thương cảm.

Tôi lên Ủy ban xã hỏi tiếp việc hoàn trả đất nhà, theo lời má dặn. Các cô chú cho biết là đã họp hành mãi, bàn bạc mãi rồi, chỉ còn cách “Áp dụng chính sách đối với gia đình liệt sĩ”, ưu tiên cấp cho một đám đất mặt lộ, mặt tiền mười mét, gia đình có thể “khai hoang” thêm bãi hố bom phía sau.

Chị em theo họ ra xem đám đất. Đất ở rìa làng, sát lộ, phía sau là hàng bãi hố bom, hoang hóa.

Má lại tập trung vào việc tìm hài cốt ba.

Lãnh đạo Lữ đoàn 125 cử người đi cùng. Đoàn đi gồm: Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Hồ Đắc Thanh, Thiếu úy Nguyễn Văn Chiến cùng 3 chú mà tôi không biết tên và chị em tôi. Chị em đã xin má “để chúng con đi đợt này, chắc phải còn nhiều đợt nữa, má ở nhà trông nhà nhé, đận sau đi cùng”.

Đoàn đi từ Thành phố Hồ Chí Minh, bằng tàu hỏa ra Bình Định rồi đi ô tô đến xã Mỹ Đức, tỉnh Bình Định. Xã này trước mặt là biển, sau lưng là núi rừng. Chúng tôi tạm nghỉ tối ở nhà xã đội trưởng, sáng hôm sau ăn sáng xong, đến 7h mới bắt đầu lên núi ông Long – trùng với tên ba – do dân đặt và gọi.

Trèo lên núi rất khó vì toàn đá, toàn cây gai rậm rạp lại còn dốc nữa. Leo mãi đến 10h trưa mới đến đỉnh. Ngồi nghỉ xả hơi một lát rồi mới bắt đầu lục tìm mộ. Theo lời các chú – là dân bản xứ cùng đi tìm – thì: việc chôn cất ba tôi hồi đó do ba người thực hiện, giờ chỉ còn một ông đang sống, được xã cử đi cùng đoàn. Ba được chôn cách suối khoảng năm bảy mét, vào ban đêm, gần đó có một cây sơn nhỏ. Biết vậy mà giờ đây cây cối rậm rạp quá, cây sơn thì nhiều, to có, nhỏ có. Tìm cả ngày không được, đành về, ngày mai tìm tiếp. Sáng ra, lại leo núi, lần này nhanh hơn, 9h30’ là đến đỉnh. Chúng tôi lại lục tìm hoài mà không được. Đến xế chiều đành phải dừng. Chú Đắc Thanh bảo ta quay về đã, để họp chỉ huy, bàn phương cách khác, có khi phải dùng cả máy gạt.

Xe Uoat Liên Xô còn rất mới, mà chạy về được vài cây số thì chết máy. Lái xe loay hoay chữa mãi không được. Tôi buồn chán, kéo Mỹ Ngà đi bộ quay lại nhà trọ. Xe nổ được máy, quay lại nhà trọ đón, tôi nói: “Cháu nghĩ là phải ở lại với ba cháu, mai tìm tiếp. Có gì đó lạ lắm, cháu là kỹ sư ô tô, không dưng mà cái xe mới lại dở chứng”. Các chú trong đoàn hội ý. Một người lính già quê ở đây cùng với mấy bậc cao niên trong xóm đề xuất là nên đi tìm thầy cúng lấy quẻ, gọi hồn giúp. Họ nói rằng ông thầy này “linh” lắm.

Ông thầy cúng ở làng dưới, cách khoảng 3 cây số. Đến giờ, tôi cũng không hiểu nổi là tại làm sao mà cụ “phán như thánh”. Ổng nói: “Có hai vong hồn, chứ không phải một. Ái nữ của một “linh” có mặt ở đây, vào thắp hương cầu xin đi”… Gieo quẻ, gõ chuông, khấn khứa một hồi lâu, ông phán tiếp: “Mai, khai thổ từ cây sơn cụt ngọn lớn nhất, hướng về phía miếu thổ thần, vong trú ở dưới ‘băng’ đó”.

Đêm ấy, chị em sang ngủ trọ tại nhà người đã chôn cất ba, chú này có mặt trong đoàn tìm kiếm từ hôm qua. Nhà chú ở mé làng, cách chân núi một cây số, nhìn rõ khu vực ba nằm. Chú ấy kể là còn nhớ hình ảnh “hai ông lái buôn đường xa” rẽ vào hỏi đường. Một chú còn rất trẻ, chỉ ngoài hai mươi. Họ mang tay nải đường xa, mặc áo xanh tím, quần xà lỏn, quần dài buộc qua cổ, thắt hai ống về phía trước, nói là để đi qua vũng nước mưa trên đường cho nhanh. Tôi thấy rõ hai người đã chạy lọt vào hang núi khi bom đạn vãi xuống.

Tôi cùng em thắp hương, ra sân khấn vái cầu xin tứ phía. Tôi hướng về phía núi, thì thầm với ba, nước mắt giàn dụa. Rồi nằm mơ thấy ba về. Trong đời, tôi mơ thấy ba về rất nhiều, ba con vui vẻ với nhau như lúc còn sống ở đất Bắc. Có nhiều bữa còn thấy ba lái cái xe con bé tí xíu về, bảo tôi lên xe để đến chỗ ba chơi. Tôi vào cái “xe đồ chơi” ấy, vẫn vào lọt. Ba chở về khu ba ở, thấy cái gì cũng bé tí xíu, từ nhà cửa, cây cối, đường sá, đồ dùng. Nhưng ở những lần ấy, chí ít tôi vẫn tiếp xúc ba, ôm lấy ba được. Còn ở giấc mơ này, ba gọi tôi rồi cứ lơ lửng trên sát trần nhà, tôi với không tới, đứng nhìn ba, khóc. Ba cứ nhìn tôi xót thương, đầu gật gật. Tôi cho rằng, ba thừa nhận lời ông thầy cúng.

Hôm sau, chăng dây từ cây san cụt ngọn đến miếu xong, cả đoàn hăng hái lao vào phát cây và đào. Độ dài “giải băng” là từ cây san già đến miếu thổ thần, cỡ ba chục thước, bề rộng từ tâm ra là hai mét. Ai cũng muốn đào nhanh kẻo trời tối, nhưng cũng phải rất thận trọng. Chỗ đất đào bằng cuốc thuổng, chỗ đá – đào bằng xà beng. Sâu được vài gang tay, chỗ có đất thì chuyển đào bằng thuổng tre, chừng dăm phân một. Xế chiều, khi đào được 6 hay 7 tấc đất, thì thấy có một vệt đất đen khác biệt so với xung quanh, rộng cỡ năm sáu chục phân, dài chừng gần hai mét. Các chú reo lên: “Đây rồi, đây rồi! ông Long nằm đây rồi!”. “Ồ, mà sao chẳng còn xương cốt gì?”. “Cả chục năm hơn rồi, đất đồi lắm mối, chỉ ba năm mấy thôi là đã tan biến hết. Đang còn nguyên dấu hình di thể thế này là còn may mắn mà!”…

Cuối cùng, mọi người thận trọng lấy hết đám đất đen hình người, cho vào một tấm vải trắng, bọc kỹ, đặt lên chiếc bàn nhựa nhỏ mang sẵn theo. Cờ Tổ quốc được phủ lên. Hai ngọn nến, một nắm nhang lớn, nước trắng, vài ly rượu trắng, ngũ quả – có đủ. Chị em tôi bày lễ, nước mắt rơi lã chã lên đồ lễ.

Tiếng hô khàn và như lệnh vỡ của chú Đắc Thanh: “Một phút mặc niệm! Nghiêm!”. Đoàn người cúi đầu, chắp tay tưởng nhớ. Nhiều loạt súng liên thanh tiễn biệt vang lên…

Tàn hương, chúng tôi xuống núi. Trời tối mịt, lại đổ mưa, trơn trượt. Về đến làng đã 9h tối. Lấm láp, bê bết. Mờ sáng hôm sau quay về Sài Gòn ngay.

Còn có một điều rất lạ nữa, khi xe đi ngang qua nghĩa trang liệt sĩ của xã Mỹ Đức thì bị chết máy, đề mãi mà xe mới cứ ì ra, không nổ máy được, cả đoàn xuống đẩy cũng không xong. Thiếu úy Văn Chiến nhìn tôi hồi lâu, rồi nói: “Không xong rồi, chắc các đồng đội ở đây lưu luyến không muốn chúng ta đưa ông về đây mà. Cô Ngọc hãy cùng tôi vào thắp nhang xin họ. Đi!”. Anh nói như ra lệnh. Tôi chuyển bọc hài cốt cho Mỹ Ngà ôm, rồi cùng anh Nguyễn Văn Chiến đi thật nhanh vào nghĩa trang, cũng may là còn được hai bó nhang và hai trái cam, ít bánh kẹo, ít chai nước tinh khiết mới mua hồi sáng – dành đi đường. Hai chị em vái lạy, khấn thì thầm cầu xin các liệt sĩ, rằng: “Các liệt sĩ rồi sẽ như ba con đây, sẽ được tìm về với gia đình…”. Ba người đi cắm nhang cho từng ngôi mộ, dọn cả cỏ nữa, rồi mới ra xe… Ra đến xe thì anh tài xế nổ máy được ngay(!?). Tiếng máy vang rền, mọi người yên lặng. Cả đoàn lên xe trong trạng thái tinh thần hướng về tâm linh, nặng nề, khó tả… có lẽ anh Nguyễn Văn Chiến đã nói đúng!

Về đến Sài Gòn là 3h sáng, trời còn tối, đèn đường còn sáng choang, có rất ít xe còn chạy trên đường. Xe chúng tôi chạy thẳng về đường Phù Đổng Thiên Vương, quận 5. Má có căn nhà nhỏ ở đây, nhưng hiện tại má đang ở trên trang trại, chúng tôi chưa kịp tin cho má biết. Vào nhà, tôi đặt túi hài cốt ba lên bàn thờ, mọi người thắp nhang khấn lạy hồi lâu, rồi mới đi ngủ cho lại sức.

Sáng sớm hôm sau, xe của Lữ đoàn 125 đến rước má cùng hai con về đơn vị gặp lãnh đạo. Khi được tin, má mừng đến mức ngất xỉu. Ở buổi gặp mặt, ai cũng vui mừng, mừng trách nhiệm nghĩa tình đã thành công tốt đẹp. Má chỉ khóc, suốt buổi!

Lễ truy điệu ba tôi được cử hành rất trang nghiêm tại nghĩa trang liệt sĩ của Thành phố Hồ Chí Minh. Má nói: “Chỉ một thời gian thôi, khi thu xếp làm xong nhà thờ, lăng tẩm, sẽ đưa ba về quê”.

Hằng năm cứ đến ngày thương binh liệt sĩ 27/7, Lữ đoàn 125 Hải quân lại cử người đến, đèn nhang, thăm hỏi. Mỗi khi Tết về, đơn vị lại gửi lễ cúng cùng tiền hương khói. Các chú bác thuộc “Đoàn tàu không số” họp mặt đều đặn hàng năm, không bao giờ quên mời gia đình tôi đến dự, tôi lưu giữ tất cả giấy mời trang trọng đó, cất vào hộp kỷ vật…

Đưa ba vào nghĩa trang xong, má giao mọi việc ở Buôn Ma Thuột và Sài Gòn cho Mỹ Ngà quản lý. Giao cả chăm sóc, hướng nghiệp con cái và các em. Má về quê dựng nhà trên mảnh đất được cấp theo “chế độ gia đình liệt sĩ”, là căn nhà má đã tháo dỡ trên trang trại và chở về đợt trước. Trong ngôi nhà, má lập hai bàn thờ trang trọng, một của ông bà ngoại và gia tiên bên ngoại, một của ba.

Má lấp loạt hố bom để hoang phía sau để làm vườn ao. Tổng thể cũng được ba sào đất. Từ đó, má ở quê, lo hương khói nhà thờ, chăm sóc vườn tược mới.

Má xuất vốn, nuôi hàng đàn lớn heo Tây, thường gọi là heo Rôtxia. Cứ bốn năm tháng lại xuất chuồng một lần. Dần dà, lập trang trại, thuê nhiều người làm. Má thầu đầm nuôi tôm cá, mở xưởng làm nước mắm, cá khô… chế biến hải sản tiêu thụ tận Sài Gòn và xuất đi nước ngoài…

Sau cỡ chục năm, má có lại vị thế của ông bà ngoại ngày xưa: giúp đỡ người nghèo khó, tạo công ăn việc làm, chỗ dựa cho những người khó khăn, đau ốm. Mọi người ở quê kính nể và biết ơn má.

Tình nghĩa của má với bà con lối xóm vẫn như xưa. Nhờ sống trong tình nghĩa quê hương xóm làng, má khuây dần bao nỗi đớn đau, tủi nhục mà đời má đã gánh chịu. Má được mời tham gia vào lãnh đạo, cố vấn Hội Phụ nữ xã, vận động chị em tham gia phong trào “Người phụ nữ mới”, “Sinh đẻ có kế hoạch”. Má còn tham gia vào nhiều hội khác: “Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ và quân nhân”, “Hội từ thiện”, “Hội Khuyến học”…

Má theo ba, theo ông bà, tổ tiên về miền nước nhược ở tuổi 84. Má đi nhẹ nhàng như ngọn đèn cạn dầu hết bấc. Theo nguyện vọng, mộ của má được đặt tại nghĩa trang quê nhà. Mọi người vào nghĩa trang, hầu như không có ai không đến dâng hương mộ má.

Má ơi! Đời má đầy máu và nước mắt! Những dòng này con viết về ba má và các em, như xưa kia, có ai đó đã nói rằng: “viết bằng máu hòa nước mắt”!

Con nhớ thương ba má! Ba má ơi!

Phạm Mỹ Ngọc – Võ Văn Hải

(Kỳ 1): https://tapchisonglam.vn/ma-va-em-gai-toi/