Được cụ Hà Văn Tải gửi tặng tập thơ mimi “Bài ca Phúc Thành quê hương”, tôi xúc động vì nội dung và tình cảnh xuất hiện của tác phẩm.
Cụ Hà Văn Tải (sau đây xin được gọi tắt là Cụ) bước ra đời cùng thời tiếng trống Xô Viết Nghệ An, đến nay đã 93 tuổi, nói theo thuật ngữ thời @ là U100. Cuộc đời làm việc của Cụ hầu như không có khoảnh khắc yên bình: cách mạng, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc kiến quốc trên tro tàn hoang phế. Cụ đã đảm nhiệm những trọng trách: Phó Bí thư thường trực Thành ủy Vinh suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại khốc liệt của không quân Mỹ, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh thời hậu chiến, kiến quốc.
Song hành với cuộc đời chính trị là văn chương; bên cạnh các “kỷ yếu”, “văn kiện”, công văn, chỉ thị dạng “trát” “chỉ, dụ”… thường nhật của một Chánh văn phòng, Cụ đã viết khá nhiều, gồm cả văn, thơ, sử ký thuần nghĩa văn chương. Tác phẩm được xuất bản của Cụ bao gồm 20 cuốn văn, 25 tập thơ, là không nhỏ ngay cả với người cầm bút chuyên nghiệp. Dịp kỷ niệm 40 năm cộng tác viên của Nxb Nghệ An, Cụ được vinh danh là “cộng tác viên tiêu biểu”.
“Bài ca Phúc Thành quê hương” được viết trên giường bệnh, giữa các khoảng hồi sinh ngắt quãng, tại các thời điểm đang tạm thời cất đi “Cáo phó đã được soạn thảo”. Đó là lời trăng trối bằng thơ của Cụ gửi lại quê hương trước giờ phút chia tay về miền nước nhược non bồng. Ở đấy, Cụ đã vẽ lên bức tranh toàn cảnh của chốn chôn rau; làm thành một ‘biên niên sử’ khơi dậy tình yêu, lòng tự hào cho lớp người sau; nhắn gửi, nhắc nhở hậu thế hãy biết ơn, gìn giữ và xứng đáng với cha ông.
Bằng cách diễn đạt theo môtip ca dao – vè nôm na, bình dân, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp cho đại chúng, Cụ dẫn dắt người đọc đi từ thời kỳ hồng hoang khai phá khó nhọc của cha ông:
“Đói nghèo bao thủa đi qua
Núi non đồng ruộng xót xa đau buồn
Hạn hán đồng nẻ chân chim
Lụt lội chia cắt bao miền đó đây…”
Nhưng con người ở quê Cụ đã cần cù, kiên nhẫn mưu sinh:
“Hạn thì gàu thúng, gàu giai
Chặn dòng khe lại hát bài “đêm trăng”
Dẫu cho nước lụt băng băng
Cầu khỉ bắc vội mà hăng cấy cày…
Gọi nhau vào rú vào rừng
Hái củi lấy gỗ mặng rừng măng mai…”
Đã dám gồng mình lên chế ngự thiên nhiên, cải tạo môi trường sống:
“Núi rừng biển nước mênh mông
Biến đổi cuộc sống một vùng quê ta…
15 năm đắp đập cũng là sức dân…”
Để rồi quê hương sang trang:
“Đồi cao xanh thắm rừng cây
Trầu cau, mít bười mát tay người trồng…
Vườn nương trù phú nuôi người quê ta
Phúc Thọ bến nước cây đa
Diệu Ốc mùa hạ ngát hoa sen vàng
Mái đình cổ kính hai làng…
Tuồng chèo ví dặm mê đam tình người…”
Cụ khơi dậy lòng tự hào với quê hương, bằng những danh lam thắng cảnh:
“Bàu Diệu Ốc cảnh tuyệt vời
Ấy là bầu cổ lưu đời từ xưa…
Bàu Ganh xanh ngát rừng cây
Có chùa Yên Lạc tháng ngày khách thăm..,
Phủ Thờ cũng đứng tên đầm
Nay là di tích thuộc tầm quốc gia…
Trong hang của núi Vũ Kỳ
Có chùa Thiên Tạo cảnh bày thiêng liêng…”
Cụ nhắc đến các danh nhân của xứ sở, đó là các công thần:
Hoàng Tá Thốn – chống giặc biển, được vua phong Đại Lải Đại Hải tướng quân:
“Du khách tìm đến đây rồi
Đền Hoàng hương khói nhớ người ngày xưa…”
Tiến sỹ Trần Đăng Dinh phất cao ngọn cờ học hành, tiến thủ:
“Liêm quận công ở quê ta
16 người con đều quan to trong triều…”
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Việt – Lào thời hiện đại:
“Anh hùng lưỡng quốc” tiếng đồn
Ấy là Trần Trí mãi còn vọng vang…”
Cụ cũng không quên nhắc tới một “thảo dân” nhỏ nhoi – ông Quản Hài, người có công đức với dân, đã kiên gan vượt qua gian khó: “Mấy lần đập vỡ công toi/Ông quyết đắp lại không ngơi nước về…” để dựng lên con đập nước lớn, bây giờ vẫn mang tên ông:
“Bảy triệu khối nước chơi vơi một vùng
…Biến đổi cuộc sống một vùng quê ta
Đồng Lớn hai trăm hecta
Một năm hai vụ bao nhà ấm no…”
Cụ tự hào liệt kê những “danh nhân” bản quán, đó là Cử nhân Trần Văn Huân, người đã cáo quan “Ở ẩn dạy học kết liên bạn bầu”; có “Trần Khuông(1)người con trai đầu/ Bỏ tú tài dấy cờ đầu Việt Minh”…; là bảy chánh văn phòng cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó có Cụ; là lớp hậu duệ tuổi trẻ tài cao, nối bước rạng danh quê hương: nhà Hán thi Quốc Ân, nhà văn Khắc Thạch – nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, ca sỹ nhí Quỳnh Như – Quán quân quốc gia giọng hát Việt nhí, nhà thơ trẻ Đinh Hạ – giải Hồ Xuân Hương 2022…
Có thể do tuổi tác, sức khỏe hoặc bởi một lý do nào đó, Cụ đã “để sót” một “danh nhân” đúng nghĩa, vốn là người cùng làng Phúc Thọ. Xin được bổ sung kỳ nhân ở “chốn địa linh” – nôi sinh Cụ: Đó là cụ Lê Thuyết. Cụ Thuyết trong thi phẩm của Cụ Tải chỉ là một cầu thủ: “Ông Tôn, ông Thuyết cờ đầu /Áo vàng bóng đá đẹp sao bấy giờ”. Nhưng ‘tảng băng chìm’ của cụ Lê Thuyết là “Quán quân toán Đông Dương” thời Pháp, khi còn học ở Quốc học Huế; dạy tú tài ở Campốt; Chánh văn phòng Bộ Tư lệnh Liên khu 4, Hiệu trưởng Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4, Chánh văn phòng Bộ Chỉ huy Sư đoàn 304 và Chủ nhiệm hậu cần quân đội…; thuộc hạ thân tín của Cụ Giáp, cụ Nguyễn Sơn… và đoạn đời sau là khúc ca bi tráng, xuất phát từ cuộc “cách mệnh” trong quân đội song hành với ‘cải cách ruộng đất’, “Đồng chí Lê Thuyết bị xử lý oan…” (Bút lưu của Thượng tướng Trần Văn Quang )…
Thông điệp cuối thi tập của Cụ như một đúc kết trải nghiệm:
“Có quê hương mới có ta
Ai người yêu nước (cũng) đậm đà tình quê!”
Phúc Thành quê Cụ cùng với Hậu Thành, Đồng Thành vốn được tách ra từ xã Giai Lạc – “vui-đẹp”. Đó là một vùng quê bán sơn địa hữu tình. Trong khuôn khổ “ca dao” của bài viết, tác giả đã không thể nêu hết những kỳ thú của miền đất này. Núi Vũ Kỳ, đầm sen Diệu Ốc, núi Mào Gà (Kê Quan), núi Động Đình (Động Huyệt) trong tác phẩm của Cụ – là những kỳ quan. Đó là địa danh “Tao nhân dốc cạn bút nghiên/ Anh hào tụ nghĩa non thiêng dựng cờ”(2): Trạng nguyên Hồ Tông Thốc với “Du Động Đình họa Nhị Khê Phi Khanh vận”; Hoàng giáp Bùi Dương Lịch với “Vịnh Kê Quan” (Vịnh núi Mào Gà); Ngô Trí Hợp với “Xíu Lĩnh xuân vân” (Mây xuân núi Xíu), “Diệu Ốc liên đàm” (Đầm sen Diệu Ốc); Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn với “Vũ Kỳ sơn đề vịnh” (Đề núi Vũ Kỳ); Đinh Lễ tụ quân ở núi Động Đình, tiến đánh thành Diễn Châu, Nguyễn Xuân Ôn lập bản doanh tại núi Vũ Kỳ….
Trong kháng chiến chống Pháp, bố tôi và bố vợ tôi hoạt động cùng Cụ trong Ủy ban Kháng chiến xã Giai Lạc, ở các vị trí Ủy viên Tuyên truyền và Chánh văn phòng; tôi về Tỉnh ủy vài năm thì Cụ mới nghỉ hưu, bởi vậy mà tôi biết khá nhiều về Cụ. Thời kỳ cải cách ruộng đất, gia đình Cụ cũng gặp “nạn”, cũng “trầy vi tróc vảy”, chịu oan ức như nhà vợ tôi. Nhưng Cụ đã trụ vững được, sau đó đã “thoát ly”, đi lên. Trong hành trình đi lên đó, Cụ đã nêu gương, hy sinh nhiều quyền lợị của gia đình. Các con trai Cụ đều được Cụ gửi ra tiền tuyến. Về hưu, Cụ sống thanh đạm (thường thấy ở các lãnh đạo thời bấy giờ); thấy Cụ khá chật vật, phải chăn nuôi thêm để hỗ trợ đời sống, tôi đã làm một chuồng gà bằng thép biếu Cụ.
Gom tiếp những dấu ấn cuộc đời Cụ: Thời kỳ tám năm trời giặc Mỹ phá hoại tàn khốc, toàn bộ thành phố Vinh thành đống gạch vụn, Cụ sống trong từ trường của còi báo động, đạn bom, trên hoang tàn gạch vụn, “thượng Cầu Rầm hạ Bến Thủy” trực chỉ đạo tổng thể cuộc chiến; đoạn sau là công cuộc tái kiến thiết, lại cũng trên hoang tàn gạch vụn: “Có thành phố nào như thành phố này không/ Chưa thấy nhà cao chói lọi sắc hồng/ Đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn?” (Thạch Quỳ). Tôi nghĩ, bản cách, thời cuộc và hoàn cảnh khách quan tạo ra khí chất của Cụ, có thể diễn tả theo ngôn từ của I.Erenbua là: “Một người cộng sản lũy thừa 3”.
Trên giường bệnh, trong đợt hồi tỉnh gần đây, Cụ ngỏ ý muốn gặp lại người bạn chiến đấu thời chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ – ông Nguyễn Đăng Chế. Chúng tôi hiểu lý do. Thời đó, một người là Phó Bí thư thường trực Thành ủy Vinh – chỉ đạo, trực chiến; người kia là Trưởng phà Bến Thủy – túi bom, nút thắt giao thông, bãi chiến trường khốc liệt nhất. Ông Chế đã hai lần được truy điệu sống trước khi lên tàu rà phá bom từ trường; lần thứ hai, ông cùng tàu bị bom hất tung lên trời hàng chục thước, đồng đội vớt xác ông lên, thông báo trong ngành và gia đình là ông đã chết. Nhưng rồi ông… sống lại, nằm viện nửa năm. Tôi chở ông Chế đến nhà Cụ, Cụ đang nằm liệt giường nhưng đã cố bò dậy khi thấy người xưa. Hai cụ ôm nhau, bốn dòng nước mắt.
Có câu “Con chim sắp chết cất tiếng kêu thương; con người sắp lìa đời nói lời nói phải”. Chúng ta mong cho từ “sắp” kéo dài thêm một nhiệm kỳ, còn “lời nói phải” thì Cụ đã nói bằng cả cuộc đời, lời cuối trong thi tập mini này chỉ là di huấn, nguyện ước, là tấm lòng, tình nghĩa của người ra đi.
Võ Văn Hải
Chú thích
(1)- Ông Trần Khuông: Tú tài bán phần ở Thăng Long, bỏ học về quê lãnh đạo Việt Minh, cướp chính quyền năm 1945 ở quê nhà. Ông nguyên là CVP Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Thư ký riêng của Cụ Hồ, Cục trưởng Cục lưu trữ quốc gia. Bà Tú Khuông là con gái cụ Nghè Ôn, rất đẹp.
Tôi còn nhớ hai câu chuyện Ông Tú kể, một là: ‘Thời ở Việt Bắc, cán bộ ta ăn vận đồ Âu, đi công tác với Cụ Hồ, trước khi qua suối phải xắn vận quần khá lâu, sang bên kia suối lại phải ‘hoàn phục’; Cụ Hồ vận đồ ta, treo hai cái móc sắt như móc rèm vào hai bên lưng quần, móc lên thả xuống trong vài giây. Cán bộ theo Cụ phải ‘xắn, gỡ’ nên khi Cụ qua suối rồi họ vẫn ở trên dòng; Cụ lại đi nhanh nên tùy tùng sang được suối là chạy theo “tướt bơ”’. Câu chuyện thứ 2: ‘Tôi (cụ Tú Khuông) đi vi hành với Cụ ở Thái Bình. Lội ruộng cả buổi, bùn sục nhiều chỗ quá gối, rất mệt, phải leo lên một cồn mả lớn để nghỉ. Cụ nằm ngửa trên mặt nghiêng nấm cỏ, thở. Cả hai cải trang nhưng dân chúng rồi cũng phát hiện ra. Cả đoàn nông dân reo hò chạy về phía Cụ, miệng hô vang trời: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Cụ nói với tôi: Bây giờ chỉ có “muốn nằm” .
(2) Trích “Ca dao tỉnh, ca dao say” – Võ Văn Hải.