“Tôi bán thuốc sản chứ chưa nghe nói đến cộng sản là gì”. Đó là câu trả lời rắn rỏi, bình thản đến lạ của một người phụ nữ nhỏ bé khi đang bị kẻ thù tra tấn treo lơ lửng trên xà nhà. Thái độ ấy đến kẻ thù cũng phải khiếp sợ. Còn với người dân làng Dương Liễu, mỗi khi nhớ lại, nhiều người không khỏi rùng mình và thán phục. Người phụ nữ kiên cường ấy chính là mẹ Đặng Thị Phiệt (1890-1983).
Mẹ Đặng Thị Phiệt sinh năm 1890, trong một gia đình nông dân ở làng De Đình, xã Nam Trung (nay là xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Từ khi còn nhỏ, cô thôn nữ Phiệt đã có tiếng thông minh, xinh đẹp, được nhiều trai làng để ý. Khi vừa tròn 22 tuổi, cô phải lòng và nên duyên cùng chàng thanh niên Trần Đình Lam, quê ở làng Dương Liễu, cùng xã Nam Trung.
Về làm dâu trong một gia đình không mấy khá giả, với tính cách lanh lợi, tháo vát, mẹ đã chọn nghề buôn bán vải để mưu sinh, lo cho gia đình. Trong quá trình ngược xuôi buôn bán, mẹ có điều kiện tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội và tiếp thu nhiều tư tưởng tiến bộ lúc bấy giờ. Nhờ vậy, mẹ sớm giác ngộ cách mạng và hăng hái tham gia các phong trào yêu nước tại địa phương, đồng thời động viên, khuyến khích con cháu cùng tham gia hoạt động.
Với sự giúp đỡ, dìu dắt của đồng chí Trần Đình San (gọi mẹ là mự) và được sự tin tưởng của các đồng chí khác, mẹ Đặng Thị Phiệt bắt đầu dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng. Mẹ được giao nhiệm vụ bí mật chuyển tài liệu, truyền đơn của tổ chức cộng sản lúc bấy giờ. Và nghề buôn bán mưu sinh của mẹ cũng trở thành phương tiện hữu hiệu để mẹ hoạt động. Các chợ như chợ Hôm Đồn (ở Khánh Sơn), chợ Liệu, chợ Vực (ở Hưng Nguyên)…. thường xuyên được mẹ chọn làm địa điểm chuyển tài liệu bí mật cho các cán bộ ta. Bọn mật thám không thể ngờ rằng trong chiếc thúng, cái mẹt tưởng như chứa đầy vải vóc ấy lại chứa luôn cả khát khao cứu nước, giúp dân của mẹ. Bao nhiêu tập tài liệu bí mật cứ thế được vận chuyển trót lọt dưới bàn tay tài tình, cái miệng hoạt bát của người mà chúng cứ ngỡ chỉ là “con buôn”. Không những thế, mẹ cũng sử dụng luôn chính ngôi nhà của mình để nuôi giấu, bảo vệ nhiều cán bộ cách mạng, trong đó có đồng chí Trần Đình San.
Khi cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, mẹ là một trong những hạt nhân hăng hái hưởng ứng và vận động các con cùng tham gia nhiều cuộc đấu tranh, tiêu biểu là sự kiện ngày 12 tháng 9 năm 1930. Trong cuộc biểu tình này, người con gái lớn của mẹ là chị Trần Thị Chắt (còn gọi là o Chắt Lam) đã bị thương và hy sinh sau một tháng điều trị. Về sự kiện này, sách “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Nam Trung” có đoạn viết: “….Cuộc biểu tình đã bị thực dân Pháp ném bom làm chết 217 người và 125 người bị thương. Trong đó đoàn biểu tình của Trung Cần – Dương Liễu chết 4 người và bị thương 3 người (anh Đặng Văn Ba, chị Chắt Lan và anh Hoét Tám”.
Nén nỗi đau mất con, mẹ vẫn hăng hái tham gia hoạt động cách mạng và động viên những người con còn lại của mình. Lần này, quá trình hoạt động tích cực của mẹ đã không qua nổi con mắt cú vọ của bọn mật thám. Từ năm 1930 – 1937, mẹ Đặng Thị Phiệt nhiều lần bị giặc Pháp bắt lên đồn tra tấn, dụ dỗ. Trong số những lần đó, mẹ bị chúng treo ngược lên xà nhà, tra tấn như thời trung cổ hòng lấy thông tin của các cán bộ hoạt động cách mạng chủ chốt tại địa phương. Tuy nhiên, dù bị đánh gãy xương nhưng mẹ vẫn chỉ lặp đi lặp lại một câu trả lời “Chồng tôi cắt thuốc bắc, tôi bán thuốc sản chứ chưa nghe nói đến cộng sản là gì”. Sau nhiều cuộc đòn roi tàn bạo như thế mà vẫn không khai thác được gì, chúng tức tối thả mẹ về. “Thả” luôn cho mẹ cả nỗi đau thương tật suốt đời.
Năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công, mẹ Đặng Thị Phiệt hăng hái tham gia hội “Mẹ chiến sỹ”, vận động mọi người tham gia cách mạng và tòng quân giết giặc. Bản thân mẹ đã vận động các con hăng hái tham gia các phong trào cách mạng tại địa phương và tòng quân tham gia chiến đấu tại các chiến trường. Mẹ có 8 người con: 3 người con gái thì 01 người hy sinh trong giai đoạn 1930 – 1931; 5 người con trai thì cả 5 người đều nhập ngũ, trong đó, có 3 người vĩnh viễn không trở về: năm 1953, đồng chí Trần Đình Cường thuộc Trung đoàn 15, Sư đoàn 325 đóng quân tại Thừa Thiên Huế, hy sinh trong một trận chống càn của địch ở địa bàn Quàng Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm 1966, đồng chí Trần Đình Hường hy sinh khi đang trên đường đi công tác bị máy bay Mỹ oanh tạc. Đồng chí Trần Đình Cương thuộc Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, hy sinh trong một trận đánh ở Tuy hòa, tỉnh Hưng Yên năm 1968.
Còn nỗi đau nào hơn khi lần lượt đón nhận hung tin về những người con yêu quý nhưng mẹ vẫn nén đau thương, tích cực ủng hộ các hoạt động kháng chiến, kiến quốc tại quê nhà. Không chỉ nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, nhiều nhà máy sơ tán về đây, mẹ đã động viên gia đình dỡ đi một nhà ngang để có thêm mặt bằng phục vụ sản xuất, giúp địa phương làm tốt nhiệm vụ hậu phương.
Ghi nhận những đóng góp của gia đình mẹ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Thủ tướng chính phủ đã tặng bằng “có công với nước” tại quyết định số 54/CP ngày 04/3/1966 với nội dung “đã hăng hái đấu tranh chống đế quốc tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng”.
Ngày 16/7/1983, do tuổi cao sức yếu, mẹ qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của con cháu và dân làng Dương Liễu. Nhiều năm sau đó, mẹ mới được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương truy tặng danh hiệu“Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo quyết định số 461KT/CTN ngày 24/7/2002.
Cuộc đời của mẹ Đặng Thị Phiệt là tấm gương sáng, tiêu biểu cho hàng triệu người mẹ trên đất nước Việt Nam, tảo tần, chịu thương chịu khó, hết lòng vì nước, vì dân, đặt “nghĩa nước” lên trên “tình nhà”, vì độc lập, tự do của dân tộc. Mẹ xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng “Kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Thùy Lâm