Nghệ An không có ca dương tính với Covid-19 mới trong 24 giờ qua (từ 18h00 ngày 17/9 đến 18h00 tối 18/9). Đó là một tin vui đến từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ngày hôm nay.

Đến nay, đã có 1.538 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, ra viện, chỉ còn 256 bệnh nhân hiện đang điều trị. Trong 12h qua (từ 6h đến 18h00 ngày 18/9) có 01 bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, nâng tổng số ca tử vong từ đầu đợt dịch lên 14 BN.

Như vậy, từ đầu đợt dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.808 ca mắc Covid-19 ở 21 địa phương: TP Vinh: 643, Yên Thành: 199, Diễn Châu: 191, Quỳnh Lưu: 146, Nam Đàn: 88, Cửa Lò: 81, Nghi Lộc: 68, Hưng Nguyên: 64, Kỳ Sơn: 62, Quế Phong: 52, Đô Lương: 43, Tương Dương: 29, Nghĩa Đàn: 27, Tân Kỳ: 24, Hoàng Mai: 22, Thanh Chương: 17, Con Cuông: 16, Anh Sơn: 15, Quỳ Hợp: 14, Thái Hòa: 06, Quỳ Châu: 01.

Về công tác xét nghiệm: Trong 24 giờ qua đã tiếp nhận 4.280 mẫu (6 mẫu test nhanh Dương tính, 953 mẫu F1, 3.321 mẫu cộng đồng). Trong đó, 3.856 mẫu có kết quả âm tính, 424 mẫu đang chờ kết quả.

Chung cư H.T.X Trung Đô bị phong tỏa sau khi có ca nhiễm Covid-19. Ảnh: Hoàng Nguyên

* Ngày 17/9, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương về việc triển khai công điện của Bộ Y tế. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị căn cứ chức năng nhiệm vụ, khẩn trương triển khai theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công điện số 1409 ngày 15/9 về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

Tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc các công điện, kết luận của Thủ tướng Chính phủ và tập trung một số nội dung, cụ thể:

Thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất. Khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội (sau đây gọi là giãn cách) phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…). Mục tiêu của thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày).

Triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm: thực hiện nghiêm việc giãn cách; đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội, đồng thời tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch. Vùng đỏ, vùng cam phải xét nghiệm 3 lần trong 7 ngày.
Thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR (RT-PCR).
Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần.
Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ. Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn. Đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu.

Công điện của Bộ Y tế còn đề nghị các địa phương tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân. Khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao. Trường hợp vượt quá khả năng, kịp thời trao đổi với các tỉnh, thành phố lân cận để được hỗ trợ hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao; địa điểm có thể lựa chọn tại trường học, nhà văn hóa, khu công sở… trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất.

* Sở Y tế Nghệ An vừa có văn bản gửi TP. Vinh và CDC Nghệ An về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn TP. Vinh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Vinh, Sở Y tế tham vấn và đề nghị Ban chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống Covid-19 TP. Vinh thần tốc hơn nữa trong công tác điều tra, truy vết F0, F1. Tổ chức đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm. Căn cứ kết quả điều tra dịch tễ các trường hợp F0, F1 và yếu tố liên quan, tổ chức đánh giá xác định các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, thực hiện biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội phù hợp.

Đối với khu vực phong tỏa, phải tổ chức lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn với tần suất 3-5 ngày/lần trong thời gian thực hiện phong tỏa để bóc tách ngay các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn nguồn lây và điều trị kịp thời.

Sở Y tế cũng đề nghị TP. Vinh tổ chức xử lý môi trường ngay đối với các khu vực nguy cơ cao có F0 xuất hiện. Đặc biệt là các khu vực kín, tập trung đông người, không có sự thông khí như cầu tháng máy, hành lang chung cư. Ngoài ra, Sở Y tế còn đề nghị tổ chức, triển khai kế hoạch tiêm chủng một cách khoa học, đảm bảo thực hiện công tác tiêm chủng kịp thời, hiệu quả và an toàn trong phòng, chống dịch.

Lê Nhung (tổng hợp)