Đền Cả là ngôi đền cổ lớn và linh thiêng, đứng đầu trong các đền, miếu ở xã Tràng Thành dưới thời phong kiến (nay thuộc xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Theo lịch sử cũng như phả đền truyền lại, Đền Cả thờ các vị thần Cao Sơn, Cao Các, phối thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Bạch Y Công Chúa, và các vị phúc thần có công “bảo quốc hộ dân”. Phối thờ ở Đền còn có long ngai, bài vị các vị đại khoa được Nhà nước phong khôi, phong sắc như Thám hoa Phan Tất Thông, Phan Duy Thực; Sơn quận công Phan Cảnh Quang,… và các thủy tổ, triệu tổ của các dòng họ lớn có công với quê hương, đất nước. Trải qua những biến thiên dâu bể nhiều đền chùa bị tàn phá nhưng đến nay đền Cả vẫn hầu như nguyên vẹn với những kiểu kiến trúc độc đáo.

Hoa Thành là một vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, đất đai bằng phẳng,màu mỡ, đời sống của nhân dân rất phát triển. Tràng Thành xưa từng được chọn là lỵ sở của huyện Đông Thành. Ở đây từng có những công trình kiến trúc cổ như Đền Cả, Chùa Báo Lâm, Đình Báo Lâm, Nhà thánh thờ Khổng Tử… Đền Cả được xây dựng trên một vùng đất rộng lớn với khuôn viên khoảng 3 ha. Phía trước là hệ thống ao hồ, đồng ruộng bằng phẳng, thoáng đãng. Phía sau và xung quanh là làng mạc, dân cư sầm uất. Vườn đền rộng trồng nhiều cây xanh cho bóng mát.
Tương truyền, Đền Cả được khởi dựng từ đời Lý, trùng tu, mở rộng vào thời hậu Lê. Đền Cả có nhiều hạng mục như tam quan, nghi môn, tả vu, hữu vu, bái đường, thượng điện. Tam quan được xây bằng gạch, đá, vôi vữa, quy mô không to nhưng khá đẹp. Các bộ phận được kết nối với nhau bằng các trụ chính, trụ phụ, tường gạch chườm ra thụt vào tạo hình khối kiến trúc đẹp, vững chắc. Một số mặt trên cột, tường trang trí long, ly, quy, phượng, câu đối chữ Hán. Đỉnh trụ đắp hai con nghê vươn cổ chầu vào cửa đền.
Trước cổng Đền Cả còn có tấm bia cổ. Nội dung văn bia phản ánh truyền thống hiếu học cũng như việc xây dựng các công trình văn hóa như đền, chùa, v.v… của làng xưa.
Trong các hạng mục của đền thì nghi môn là công trình độc đáo nhất. Công trình này đẹp như Khuê Văn Các của Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái. Khung nhà được làm bằng gỗ lim, tổng thể có một gian, 2 tầng, 2 vì, 4 cột cái, 4 cột con, bờ nóc trang trí rồng chầu mặt nguyệt. Góc mái uốn cong hình mũi đao. Tầng trên được thưng bằng ván, sàn nhà lát gỗ, có các cửa sổ kiểu trên song dưới bản, phía trên có bàn thờ nhỏ để thờ cúng. Tầng dưới được nới rộng ra bốn phía. góc mái uốn cong hình đao, các bờ chải trang trí bốn con rồng uốn lưng vươn đầu chầu vào mặt nguyệt tròn giữa các vân mây. Nền nhà lát gạch vuông nâu sẫm, 4 phía để trống thông ra cửa trước và sân. Các cột trụ đỡ góc mái ghi câu đối nói về việc xây dựng đền, vùng đất địa linh đã sinh ra các anh hùng, danh nhân. Đây là nơi dừng chân của quan viên, chức sắc trước khi làm lễ.
Đẹp và ấn tượng nhất về chạm khắc gỗ là ở các bộ phận đầu kẻ, xà của nghi môn với chủ đề “tứ linh, tứ quý”, đường nét mềm mại, uyển chuyển, sinh động.
Sau những lần trùng tu, tôn tạo, Đền Cả vẫn giữ được vẻ cổ kính, nguyên sơ. Nhà bái đường là công trình kiến trúc được xây dựng vào cuối thời Hậu Lê, trùng tu vào thời Nguyễn. Công trình này tương đối bề thế, khang trang. Đây là nơi tổ chức tế thánh, dâng lễ, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài… có kiểu dáng và kiến trúc cổ ở xứ Nghệ. Bộ khung được làm bằng gỗ, đốc tường xây bằng gạch vữa, phía trước đóng mở bằng hệ thống cửa ván thượng son hạ bản khá chắc chắn; kĩ thuật và kết cấu khá bền vững. Các hiện vật, tượng thờ bài trí ở vị trí phù hợp.
Gian giữa của bái đường là nơi dừng chân đặt lễ, thắp hương, được bài trí nhiều loại đồ thờ. Một chiếc hương án cổ sơn son thiếp vàng, chạm khắc rồng phượng, hoa, lá. Hai bên hương án có tượng hai nô tì bằng gỗ đang ở tư thế quỳ gối, chắp tay thi lễ.
Thượng điện là nơi linh thiêng, bày đặt nhiều đồ thờ quý có giá trị về mặt lịch sử và mỹ thuật. Căn cứ vào dòng chữ Hán ghi ở mảng ván đặt trên xà “Bảo Đại bát niên thu Quý Dậu”, “Đồng xã trùng tu’, thì công trình này được khởi công tôn tạo dưới triều Vua Bảo Đại. Phía trong có các bàn thờ, hương án, long ngai, tượng thờ Cao Sơn, Cao Các, Bạch Y công chúa, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, và một số danh tướng, danh thần có công đánh giặc, lập làng, xây dựng quê hương, đất nước. Ngoài ra còn phối thờ thủy tổ của các dòng họ lớn trong vùng. Đền còn lưu giữ nhiều đồ thờ, cổ vật quý như sắc phong, đại tự, câu đối, long ngai, kiệu rồng, hương án, hạc gỗ, cọc nến, lư hương… có giá trị lịch sử, văn hóa. Đền là nơi hội tụ, sinh hoạt văn hóa của Nhân dân hướng về cội nguồn.
Ngoài kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc đặc sắc, Đền Cả còn lưu giữ được hệ thống hiện vật cổ, quý. Hiện đền còn giữ được 4 đạo sắc, trong đó có 1 sắc phong năm Vĩnh Khánh (niên đại gần 300 năm), 1 sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh thời Tây Sơn, 2 sắc phong thời Nguyễn. Đặc biệt, tại đền còn có những pho tượng được tạc khắc trên chất liệu gỗ, đá độc đáo.
Từ khi được xây dựng cho đến nay, Đền Cả đã gắn bó với đời sống văn hóa tâm linh của Nhân dân và nhiều sự kiện lịch sử của Yên Thành. Hàng năm, vào ngày 13 đến 16 tháng Giêng (âm lịch), dân làng Tràng Thành (Hoa Thành) và nhiều làng khác ở huyện Yên Thành tổ chức lễ hội long trọng. Trong dịp lễ hội sẽ có nhiều hoạt động diễn ra theo phong tục cổ truyền. Ở phần lễ có các nội dung như lễ khai quang, lễ mộc dục, lễ yết cáo, lễ rước, lễ tế, lễ tạ. Phần hội sẽ có các hoạt động văn nghệ dân gian, các trò chơi thể thao như đấu vật, đánh cờ, hát tuồng, ví, chọi gà, chơi đu… Sau nhiều thế kỷ tồn tại, Đền Cả không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người dân địa phương, mà còn là chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử. Trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX, Đền Cả là nơi gặp gỡ, sinh hoạt bí mật của nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn, là cơ sở cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ cách mạng 1930-1931, và kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đền Cả đã được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia năm 2012.

Ảnh: Phan Tất Lành
Nội dung: Lê Nhung