Tôi dường như có duyên với dòng họ Trần ở làng Yên Lưu, nay thuộc xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, Nghệ An. Tôi được dòng họ cho xem gia phả họ Trần còn lưu lại, cùng 3 bản sắc phong thần cho cụ tổ Trần Trọng Khải (khoảng đời thứ 8), được triều Nguyễn sắc phong là vị tôn thần của làng. Tôi đã để công nghiên cứu, giới thiệu về dòng họ và từ đó có mối thân tình với các cụ cao tuổi trong dòng họ. Nay lại có duyên được gặp Đại tá Trần Văn Đông.

Đại tá Trần Văn Đông trong lễ tiếp nhận tài liệu – hiện vật tại Bảo tàng Nghệ An

Đại tá Trần Văn Đông là phi công của Tổ bay 482, Trung đoàn Không quân vận tải đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là tổ bay chuyên lái máy bay chở Bác Hồ và các lãnh đạo cao cấp đi công tác trong nước và quốc tế. Ông sinh ngày 12/3/1932 ở thôn Phong Hảo, xã Hưng Hòa, thành Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra trong một gia đình, dòng họ có truyền thống hiếu học, khoa bảng và yêu nước, dòng dõi cụ Tri phủ Trần Trọng Khải, đậu Hương cống ở Trường thi Hương Nghệ An và 2 lần thi đậu Tam trường thi Hội triều Lê (như Đại khoa – Phó bảng triều Nguyễn), làm quan đến Tri phủ Vĩnh Khang. Ông được triều Nguyễn sắc phong là vị tôn thần của làng và được thờ ở Văn Thánh xã là vị khai khoa cho vùng đất này. Hiện dòng họ Trần còn lưu giữ 3 bản sắc phong cho cụ Tổ Trần Trọng Khải. Ông nội của Đại tá Trần Văn Đông là Trần Huy Đạt, bạn thân của cụ Nguyễn Duy Trinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Mẹ đẻ của ông là bà Hồ Thị Con có ông nội là đại phú gia tên là Hồ Ba, Nhân dân gọi là Bá Ba (Bá hộ Hồ Ba). Thời Pháp thuộc, ông từng làm thầu khoán xây dựng, có lòng yêu nước, khi biết thực dân Pháp muốn lấy đất Phong Khánh làm sân bay, ông đã bỏ tiền ra mua lại khu đất này, để dân ta vẫn được an cư lạc nghiệp từ bao đời nay.

Ông Trần Đông học đến lớp 6 thì gia nhập quân đội, tham gia kháng chiến chống Pháp. Hòa bình, sau Kháng chiến 9 năm (1955) thì ông đi học bổ túc văn hóa Quân đội – Trường 126 đóng tại thị xã Kiến An, Hải Phòng. Năm 1956, ông được chọn đi học ở Trung Quốc, ở Trường số 2 Không quân Trường Xuân, đào tạo phi công. Tháng 5 năm 1959, ông tốt nghiệp, về nước, tham gia thành lập Đoàn Không quân Vận tải đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Đoàn bay 919 hiện nay). Đầu năm 1960, ông cùng một số đồng đội được chọn vào tổ bay. Ông bắt đầu lái chuyên cơ phục vụ Bác Hồ và các lãnh tụ khác, đi công tác ở trong nước và quốc tế, chủ yếu là các nước XHCN. Lần đầu gặp Bác Hồ, ông được Bác hỏi chuyện về tên tuổi, quê quán… Khi biết ông sinh ra ở Hưng Hòa, Nghệ An, Bác rất thân mật nói: Từ nay cháu lái máy bay phục vụ Bác, lại là người đồng hương với Bác thì tốt quá… Những lần ông được gần Bác Hồ, được phục vụ Bác là thêm lần ông học hỏi được nhiều điều hay từ Bác. Ông tâm sự: “Những lần được phục vụ Bác, anh em chúng tôi được sống bên Bác, tôi càng hiểu biết thêm về Bác, một lãnh tụ thiên tài, người Cha vĩ đại có tấm lòng bao dung nhân ái, lối sống giản dị, gần gũi, phong cách nhanh nhẹn, ý chí kiên cường, suốt đời chỉ lo cho dân, vì dân mà phục vụ. Bác rất mến tôi và thường gọi tôi là con cháu quê hương.

Đến năm 1965, ông thôi làm nhiệm vụ phục vụ Bác Hồ do Chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mĩ gây ra ở miền Bắc, ông được điều về làm nhiệm vụ bay ở Bộ Tư lệnh Không quân. Từ cuối năm 1965 đến 1975, ông liên tục thực hiện nhiệm vụ bay chi viện cho Cách mạng Lào. Do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ông được Nhà nước Lào tặng Huân chương Tự do hạng Nhất. Năm 1990, ông nghỉ hưu tại Gia Lâm, Hà Nội. Ông được Đảng và Nhà nước tặng các danh hiệu và huân chương (HC) cao quý: HC Quân công hạng Ba; HC Kháng chiến chống Mĩ hạng Nhất; HC Chiến công hạng Hai; Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; HC Quân kỳ quyết thắng và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (2023).

Đại tá Trần Văn Đông (mặc quân phục) chụp ảnh tại Bảo tàng Nghệ An trong dịp ông trao tặng bức ảnh cho Bảo tàng

 Tôi gặp Đại tá Trần Văn Đông trong dịp ông về thăm quê hương Nghệ An và trao tặng Bảo tàng Nghệ An một bức ảnh quý. Đó là bức ảnh ông và đội phục vụ Bác chụp ảnh chung với Bác Hồ ngay bên chuyên cơ mà Liên Xô tặng Bác. Bảo tàng Nghệ An đã tiếp nhận bức ảnh quý này và đã trao Giấy chứng nhận, ghi nhận công đức đóng góp hiện vật cho quê hương của ông. Tại đây, tình cờ ông gặp đoàn sinh viên của Trường Đại học Vinh đang tham quan học tập, trải nghiệm tại Bảo tàng. Biết về ông, các sinh viên đã đề nghị ông kể lại những câu chuyện về Bác mà ông trực tiếp chứng kiến trong quá trình phục vụ, làm việc bên Bác. Mặc dù tuổi đã cao (93 tuổi), nhưng ông vẫn rất hào hứng kể với giọng điệu dí dỏm và đầy cảm xúc. Tôi xin giới thiệu một số câu chuyện tiêu biểu mà Đại tá, phi công Trần Văn Đông đã ghi nhớ, kể lại cho sinh viên và mọi người trong buổi tham quan Bảo tàng Nghệ An hôm đó…

Đại tá Trần Văn Đông chụp ảnh lưu niệm cùng các sinh viên Đại học Vinh tại Bảo tàng Nghệ An

Bác Hồ kiểm tra nơi ăn chốn ở…(*)

Bác rất quan tâm đến nơi ăn, chốn ở của chúng tôi. Đơn vị (Tổ bay 482, Trung đoàn Không quân vận tải, Bộ tư lệnh Phòng không không quân) thành lập chưa được một năm thì Bác đến thăm. Đồng chí Đặng Tính – Cục trưởng và đồng chí Hoàng Thế Thiện – Chính ủy cùng xuống. Sau khi xem chỗ ăn, ở của chúng tôi, Bác nói: nơi ăn, chốn ở của các cháu thì sang nhưng không sạch. Nghe lời Bác, sáng thứ 7 hàng tuần chúng tôi làm vệ sinh để doanh trại luôn sạch đẹp.

Bác Hồ đi Vũ Hán kể chuyện con cá gỗ… và nhớ võng mẹ ru…

Tháng 6/1961, Bác từ Bắc Kinh về Hà Nội, trong chuyến đó có đồng chí Kỳ, thư ký riêng của Bác, đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), đồng chí Bảo (bác sĩ phụ trách sức khỏe của Bác). Về đến Vũ Hán, khí tượng xấu phải ở lại chờ. Trưa hôm đó các bạn Vũ Hán mời cơm, bữa cơm có món cá sốt chua ngọt, các bạn Trung Quốc giới thiệu, thưa Bác đây là loại cá hồng đặc biệt bắt ở sông Trường Giang ngon lắm, xin mời Bác. Nghe xong, Bác bảo: quê Bác có loại cá đặc biệt hơn. Các bạn Trung Quốc hỏi: “Cá gì đề nghị Bác nói cho chúng cháu nghe được không?”. Bác nói: “Nghe xong nhưng không được cười, cá này chỉ dành riêng cho học trò nghèo thôi”. Rồi Bác kể quê Bác có con cá gỗ. Anh học trò nghèo chỉ có cơm không có thức ăn, anh ta nghĩ ra một cách đẽo một con cá bằng gỗ, đi qua quán cơm ghé vào xin nước mắm chấm cá. Ăn cơm xong, cá gói lại bỏ vào túi để hôm sau ăn. Nghe xong, các bạn Trung Quốc cười và nói: “Giỏi quá! Hay quá!” Cuối bữa ăn có món kem cốc tráng miệng. Bác bảo đồng chí Kỳ: “Bác thấy cốc kem ngon quá, nhưng ăn cả cốc sợ không hết, chú giúp Bác một nửa”. Đồng chí Vũ Kỳ thường nói với tôi, lúc nào ăn cơm với Bác tôi chỉ ăn vừa phải, đề phòng ăn giúp những món mà Bác yêu cầu. Chiều hôm đó, tôi và đồng chí Văn chèo một chiếc thuyền ở Đông Hồ (Vũ Hán). Tôi không biết chèo, đồng chí Văn hai tay hai chèo đứng phía sau thuyền chèo rất giỏi. Khi vào gần tới bờ thì thấy Bác bách bộ trên bờ, Bác gọi lên đây họp vì Bác rất nóng ruột, muốn về nước gấp. Đồng chí Trương là Cục trưởng Cục Bảo vệ Trung Quốc cho biết: “Thưa Bác, mai vẫn nhiều mây, thỉnh thoảng có mưa nhưng sau 7 giờ thì trời ít mưa.” Đồng chí Trương nói xong, Bác quyết: “Chú Trương cho chuẩn bị tàu hỏa, tối nay 21h30 sẽ lên tàu San huây” (có nghĩa là Tan Họp). Tôi đề nghị: “Thưa Bác, căn cứ vào tình hình khí tượng như vậy, thì sau 7h ta có thể bay được”. Bác bảo: “Đã quyết rồi thì cứ thế thực hiện, không được bàn lại”. Đúng 21h30, xe ô tô đưa Bác ra tàu. Sáng hôm sau khí tượng tốt dần, máy bay chúng tôi vẫn bay được. Chúng tôi bay trên trời thấy đoàn tàu của Bác vẫn chạy ở dưới, đoàn tàu chỉ có 4 toa. Tôi đề nghị bạn điện cho Nam Ninh chặn đoàn tàu lại. Về tới sân bay Nam Ninh chúng tôi hạ cánh chờ, khi xe ô tô đưa Bác vào, tôi thưa Bác; “Hôm qua, Bác nghe cháu thì Bác đỡ mệt”. Bác bảo: “May ra lần này đúng, nhưng không sao, tàu chạy nó đu đưa, Bác ngủ được giống như hồi bé mẹ Bác đưa võng cho Bác ngủ vậy”. Khi về đến sân bay Gia Lâm, thấy các đồng chí Trung ương ra đón với một bó hoa, Bác nói: “Hoa để làm gì thế này?” Các đồng chí Trung ương trả lời: “Thưa Bác, chúng tôi thấy Bác đi công tác về mừng quá nên mua hoa ra đón Bác”, Bác chỉ tay vào các đồng chí ấy nói: “Đầu óc các chú là tiểu tư sản lắm đấy, người nhà đi công tác về mà cũng mua hoa ra đón”.

Bác Hồ đi Bắc Kinh: chuyện cái lược gãy răng của Bác và được xem văn công cùng Mao Chủ tịch…

Tháng 8/1961, chúng tôi đưa Bác sang Bắc Kinh, Bác nghỉ ở khu vực Điếu Ngư Đài (khu vực dành riêng cho nguyên thủ quốc gia). Chiều hôm đó, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ gọi điện báo cho tôi và cô Thu (tiếp viên phục vụ trên chuyến bay chuyên cơ), tối nay, bạn chiêu đãi văn công tổng hợp, muốn xem thì vào xem. Tôi và cô Thu ăn cơm chiều sớm và đi ô tô vào. Lúc đó Bác và Chủ tịch Mao Trạch Đông đang làm việc ở phòng bên cạnh. Đồng chí Kỳ dẫn chúng tôi vào xem các đồ tư trang của Bác. Bàn chải đánh răng toe ra vì quá cũ, một cái lược còn 7 răng, một cái khăn mặt đã rách hết khu vực ở giữa. Tôi hỏi: “Sao các đồng chí Trung ương không mua vật dụng mới cho Bác dùng?” Đồng chí Kỳ bảo: “Không được, các đồng chí Trung ương đề nghị thay mấy lần nhưng Bác không đồng ý”. Cái lược ai làm gãy mất một răng thì Bác hỏi cho bằng được, Bác đang chải mà cái răng lược gãy dính trên đầu thì Bác bảo: “À, cái lược của mình hôm nay lại gãy thêm mất một răng nữa rồi”. Chúng tôi vừa ra thì gặp Bác và Mao Chủ tịch, Bác giới thiệu, đây là các cháu đưa tôi từ Hà Nội tới Bắc Kinh. Mao Chủ tịch nói: hảo hảo (nghĩa là tốt tốt) rồi bắt tay chúng tôi và mời Bác và chúng tôi vào xem văn công.

Lần đó, từ Bắc Kinh về tới sân bay Gia Lâm, thấy các đồng chí Trung ương ra đón, Bác nói: lần này, các chú ra đón Bác không có hoa à? Các đồng chí Trung ương nói: “Thưa Bác, chúng tôi sợ Bác phê bình”. Thế là Bác và các đồng chí Trung ương đều cười.

Bác Hồ đi công tác Lạng Sơn: Bác khuyến khích thanh niên phải lao động và không uống rượu, bia khi làm nhiệm vụ…

Khi đó nam, nữ thanh niên Lạng Sơn nói chung và thanh niên các dân tộc thiểu số nói riêng thường đi chơi và hát tỏ tình kéo dài đến 3 tháng. Trong buổi gặp gỡ với các thanh niên Bác nói: “Bây giờ một nửa đất nước đã giải phóng, ngày tết các cháu chỉ được nghỉ một vài ngày thôi. Các cháu phải lao động, học tập và sản xuất ra nhiều của cải. Không những cho miền Bắc mà còn cho cả miền Nam ruột thịt nữa. Bác nói các cháu có hiểu được không?” Tất cả đồng thanh đáp: “Thưa Bác, có ạ!”

Trưa hôm đó, Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh Lạng Sơn mời Bác và chúng tôi cùng ăn cơm. Trước khi ăn, Bác hỏi: “Trưa nay, các chú Tỉnh ủy và Ủy ban mời chúng ta ăn cơm, có rượu, có bia các chú dùng món gì?” Tôi báo cáo Bác: “Chúng cháu đang làm nhiệm vụ, chúng cháu không uống rượu, bia ạ”. Bác nói: “Thế thì tốt!”

Bác Hồ rất am hiểu về an toàn bay

Tháng 6/1962, chúng tôi sang đón Bác ở Bắc Kinh về, tới Nam Ninh (Trung Quốc) thì được tin khí hậu ở sân bay Gia Lâm xấu nên phải chờ tại đấy. Trong thời gian chờ, Bác rất nóng ruột, muốn về ngay. Đồng chí Văn thấy vậy, báo cáo với Bác: “Thưa Bác, máy bay chúng ta lớn, khí tượng xấu không về được thì ta điện về nước cho máy bay trực thăng sang đón”. Bác bảo: “Không được, chú không nắm được gì cả. Máy bay trực thăng ở đồng bằng thì bay dưới mây, khi lên đến rừng núi, mây che hết núi thì bay đường nào”. Đồng chí Văn: “Tôi rõ, tôi rõ”.

Tháng 8/1962, chúng tôi đón Bác từ Bắc Kinh về Gia Lâm, trong chuyến bay có đồng chí Văn, đồng chí Bảo, đồng chí Kỳ và đồng chí bí thư của đồng chí Trần Tử Bình – Đại sứ của ta ở Bắc Kinh cùng về. Khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm, máy bay đang vào vị trí đậu, nhưng chưa vào tới nơi, chưa tắt máy, thì đồng chí bí thư này chạy ra mở cửa máy bay. Bác bảo: “Chú kia, chú mở cửa xảy ra không an toàn thì ai chịu trách nhiệm? Việc đó là của cháu phi công”. Đồng chí này về vị trí ngồi, sợ quá. Khi máy bay đã dừng hẳn, tôi mời Bác xuống, Bác lại bảo: “Bây giờ Bác cháu ta đàng hoàng xuống, ai nói được chú”.

Bác dạy làm cán bộ…

Trong thời gian ở bên Bác, mỗi khi chờ bay hoặc ăn cơm, Bác luôn nhắc nhở tôi: “Cháu là thanh niên quê hương, cháu phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện và học tập để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”. Khi nói về vấn đề cán bộ, Bác nói: “Đã làm cán bộ, làm người lãnh đạo thì thứ nhất phải nhận lấy sự hy sinh trước, thậm chí hy sinh cả thân thể vì sự nghiệp, vì tổ chức, vì Nhân dân. Hai là phải làm được, làm là để làm gương cho người khác noi theo. Ba là phải nói được, nói là để vận động, thuyết phục người khác cùng làm với mình. Người dân tộc thiểu số tốt lắm, đi làm ruộng thường mang một giỏ xôi để đầu bờ. Trưa đến bữa ăn, họ phủi tay, bốc xôi ăn, mình cũng phủi tay, bốc xôi cùng ăn với họ, hoặc có lúc bắt được con bọ hung, nướng xong họ xé cho mình một miếng thì mình cũng ăn cùng. Mình biết con bọ hung thường sống dưới bãi phân chó, rất bẩn. Nếu mình đi làm ruộng với nông dân mà đi rửa tay mới bốc xôi ăn hoặc không ăn miếng bọ hung dân đưa cho thì nói kiểu gì họ cũng không bao giờ nghe. Sau khi họ tiến bộ thì mình mới phân tích thế nào là vệ sinh thì họ mới nghe được”.

Bác Hồ chụp ảnh chung với đội bay phục vụ Bác

Bác Hồ chụp ảnh với đội bay phục vụ Bác (đây là bức ảnh Đại tá Trần Văn Đông tặng Bảo tàng Nghệ An)

Tháng 3 năm 1963, chúng tôi sang Bắc Kinh đón Bác, sau khi Bác ở Mátxcơva về. Lần đó gặp Bác, tôi nói: “Thưa Bác, chuyến đi của Bác lần này có kết quả gì không ạ?”. Bác bảo: “Khó lắm, điều quan trọng hiện nay mà nói, là làm thế nào diệt được con chuột nhưng bảo vệ được bình ngọc”. Khi về đến sân bay Gia Lâm, Bác bảo: “Bác cháu ta đi công tác với nhau bao nhiêu lần, hôm nay Bác định chụp chung với các cháu một bức để làm kỷ niệm. Các cháu có đồng ý không?” Tôi trả lời: “Chúng cháu muốn lắm, nhưng không dám thưa với Bác”. Bác nói: “Muốn mà không nói thì làm sao Bác biết được. Hôm nay, Bác gãi đúng chỗ ngứa của các cháu nhé”. Khi chuẩn bị đứng vào chụp, thì tôi thấy một cháu bé chạy qua, tôi kéo cháu vào. Bác hỏi: “Cháu bé con của ai?” Tôi trả lời: “Thưa Bác con của một đồng chí ở sân bay Gia Lâm”. Bác đặt tay lên vai cháu bé cùng chụp ảnh với chúng tôi. Đồng chí phóng viên nhiếp ảnh chụp xong, thưa: “Thưa Bác, xong rồi ạ!”. Bác bảo: “Phải nháy lại lần nữa cho chắc. Sau khi xong phải làm cho mỗi cháu một tấm thật đẹp, gửi tận tay cho các cháu”. Đồng chí phóng viên trả lời: “Dạ thưa Bác, cháu rõ”. Lần đó Bác còn tặng cho chúng tôi mỗi người một Huy hiệu của Bác.

Phục vụ bác, được sống gần Bác, Đại tá phi công Trần Văn Đông đã suốt đời học tập và làm theo tấm gương của Bác, sống rất giản dị và tận tâm làm tròn nhiệm vụ giữ an toàn cho nguyên thủ quốc gia – Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những chuyến bay đưa đón Bác đi công tác trong và ngoài nước. Ông là tấm gương về tư cách, đạo đức trong sáng, đã đóng góp nhiều công lao cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Những câu chuyện kể về Bác Hồ của Đại tá Trần Đông là những bài học thật sâu sắc về đạo đức, lối sống, có tác dụng lớn đối với toàn Đảng, toàn dân và các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.

(Nội dung 8 câu chuyện ghi chép theo hồi ức của Đại tá Trần Văn Đông; các đầu đề trong bài viết do tác giả đặt).

Ðào Tam Tỉnh