Trong ký ức tôi vẫn còn nhớ rõ, từ những năm đầu của thập niên 1970, trong bản nhỏ Chiềng Yên của chúng tôi, có khá nhiều nhà treo ảnh Bác Hồ tại vị trí phía trên cái “chóng hòng”, là một gian thờ nhỏ linh thiêng trong gia đình người Thái. Phía trước nhà tôi có nhà sàn của ông Xần, phía trên có nhà ông Hạnh… đều có treo ảnh Bác Hồ phía trên gian thờ “chóng hòng”. Dân bản treo ảnh Bác Hồ nhiều hơn, một phần vì sau khi Bác mất dịp tháng 9/1969, ở chợ phiên và hiệu sách có bán nhiều ảnh Bác hơn. Thỉnh thoảng có cán bộ xã, cán bộ huyện về công tác trong bản lại đưa thêm ảnh Bác Hồ về biếu bà con. Các bạn học sinh là thiếu niên tiền phong, hoặc đoàn viên khi có thành tích học tậip tốt, cũng được nhà trường tặng giấy khen kèm ảnh Bác làm phần thưởng.
Người Thái ở miền núi nên rất thích các màu sắc tươi như các loài hoa rừng, và tiếp nhận tự nhiên cách thức trang trí trên gian thờ trong nhà bằng các loại tranh ảnh, câu đối. Ngoài ảnh Bác Hồ bao giờ cũng được treo ở vị trí trang trọng nhất trên gian thờ, còn có câu đối và tranh ảnh khác đơn thuần vì mục đích trang trí. Về sau, người ta mới dần dần để ý đến nội dung của các câu đối để lựa chọn những câu đối phù hợp với sở thích, gia phong của mình. Như vậy, việc người Thái sử dụng câu đối treo trong nhà không phải từ một lý do gì quá đặc biệt. Tuy nhiên, suốt quá trình mấy chục năm đi qua, trong ý thức của người dân, sự tự phát dần dần chuyển sang tự giác ở một mức độ nào đó. Ngày nay, người Thái đa phần không còn ở nhà sàn mà đã chuyển xuống ở nhà trệt, nhà xây giống như người Kinh. Và theo đó, việc bài trí bàn thờ trong nhà, treo ảnh Bác Hồ, tranh ngũ quả và câu đối cũng tìm được một không gian quen thuộc hơn…
Nhìn rộng ra, thấy người Thái và nhất là các thầy mo, thầy cúng sinh sống ở các tỉnh vùng Tây Bắc cũng sử dụng các hình thức trang trí không gian thờ cúng gần như cách sử dụng thông thường của người Kinh. Bộ lễ phục hành nghề của các thầy mo cũng có màu sắc sặc sỡ và nổi bật, thiên về các dải màu đỏ, tía, đen, vàng… Trong các trang sách lịch của người Thái, ví như cuốn Xô chông bang ta thấy có các hình vẽ và những câu ghi chép bằng chữ Thái… Việc treo các hình vẽ và các tờ giấy màu sắc sặc sỡ có viết chữ ban đầu phổ biến trong nhà các thầy mo, thầy cúng do họ có thần “Tạy Ho” (thần chủ của thầy mo), rồi dần dần mới phổ biến trong nhà người dân.
Dĩ nhiên, khi người ta đã treo hình ảnh của các vị thần linh (ví dụ như thần “Tạy Ho”) trên bàn thờ, thì người khấn cúng hoặc các thầy mo đều cho rằng các vị thần linh đó, cũng như gia tiên trong nhà và các vị sơn thần thổ địa quanh nhà, đều cảm nhận (“nghe”) và hiểu được những lời cúng bái, lời cầu khấn mà họ nói ra. Trường hợp Bác Hồ đã từng làm thầy dạy học và sinh sống ở Thái Lan hơn một năm nên đương nhiên là hiểu được lời cúng bằng tiếng Thái. Các thầy cúng người Thái thường đọc bài cúng sao cho to, rõ ràng, mạch lạc để các vị thần linh cảm nhận được ý tứ trong bài cúng mà không bị sót, bị lẫn mất đoạn nào; thường thấy có nhiều đoạn cúng được họ nhắc đi nhắc lại đôi ba lần cũng với mục đích như thế… Cẩn thận hơn, muốn chắc chắn để không một vị thần linh nào bị bỏ sót, người đọc bài cúng còn luôn đệm thêm một câu với đại ý “nếu còn sót vị nào chưa được vời đến thì nhờ ông Đẳm gia tiên trong nhà mời giúp”…
Trong việc cúng của cộng đồng người Thái, với việc cúng vượt ra ngoài phạm vi gia đình như cúng mường, cúng đền thiêng… trong lời cúng sẽ gọi mời thêm một vị thần quan trọng là Căm Lạn. Nhân vật Căm Lạn còn có tên là Lạng Chương, tên từ nhỏ còn gọi Tạo Căm La (Tạo con út), sau này thành chúa và khi mất đi người Thái tôn thành thần nên gọi Lạng Chượng (thường thì vẫn gọi là Căm Lạn). Trong bài cúng ông thần Pủ Mường của bản Yên Luốm (xã Châu Quang, Quỳ Hợp) có đoạn:
“…Nay tôi xin chắp hai tay lại bái
Xin gập hai khuỷu tay để mời
Xin mời ông Pủ Mường ngồi trên nhà vững chãi
Mời ông chủ Pủ Mường ngồi nhà kê
Cả vị tổ tiên ngồi trong nhà lớn ven bản
Ông Căm Lạn xuống ngồi quản mường”…
Đặc biệt là, lác đác trong một số bài cúng gần đây người cúng đã thêm tên Bác Hồ vào nội dung bài cúng xếp cùng với các vị thần linh hoặc được gọi vời riêng. Như trong bài cúng mời gia tiên về hưởng mâm lễ cúng ngày Tết mồng hai, người ta nhắc đến Bác Hồ như một sự đương nhiên. Và trong bài cúng hàng năm ở đền Vạn (huyện Tương Dương) cũng có đoạn:
“Xỏ mới cào mới!
Xỏ mới anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Mới tốc má tì tến huổng kỉn khau
Tau họt tì tến Vạn kỉn ngái”…
Dịch nghĩa:
“Xin vời xin gọi
Xin mời anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Xin dời chân đến đền lớn để hưởng cơm dâng
Xin đi đến đền Vạn để hưởng cỗ trưa…”.
Nói thêm về hình thức trình bày câu đối, vốn dĩ chữ Thái hệ Lai – Tay được viết theo hàng dọc nên khi viết câu đối sẽ cho vẻ cân đối hết sức tự nhiên. Đúng ra, hai từ “câu đối” trong cách sử dụng của người Thái thường không đối nhau theo niêm luật câu đối thông thường của người Kinh. Dù vậy, bước đầu nó cũng đã đáp ứng được những nhu cầu tâm linh nhất định của người Thái. Trong dịp hoàn chỉnh một bức cuốn thư có ảnh Bác Hồ để treo phía trên bàn thờ trong nhà người Thái ở bản, chúng tôi đã khá băn khoăn cách thể hiện và dịch hàng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” như thế nào cho hay, cho đúng. Đem chuyện này hỏi thì người già cho biết, trước đây khi bắt đầu tham gia các lớp học bình dân học vụ, các cụ vẫn hay cùng nhau hô khẩu hiệu này bằng tiếng Thái: “Pủ Hồ pẳn pỉ” nghĩa là “Cụ Hồ sống ngàn năm” hoặc “Cụ Hồ muôn tuổi”. Nghe các cụ nói thế, chúng tôi thấy không còn gì phải băn khoăn nữa.
Từ đấy, ở bản mường chúng tôi, người Thái đã cùng nhau treo bức cuốn thư có ảnh Bác Hồ với dòng chữ Thái hệ Lai – Tay bên dưới mang nội dung “Pủ Hồ pẳn pỉ”. Hai bên bức cuốn thư còn có hai hàng chữ Thái viết theo chiều dọc “Đay kỉn bo lứm thù – Đay dù bo lứm cổng” (“Được ăn không quên đũa – Được ở không quên ơn”).
Đây thực sự là một ý nguyện tự giác, bởi vì thay vì trang trí trong nhà bằng tranh ảnh liên quan đến những điều xa xôi lạ lẫm, thì nay bức cuốn thư và câu đối đã mang ý nghĩa thân thuộc, tôn thờ lãnh tụ, nêu bật những nội dung về đạo hiếu, công đức tổ tiên, khuyên răn con cháu.
Sầm Văn Bình