“Canh cánh nỗi lòng, ngoảnh lại phía ngày xưa”

Lần này đến Nha Trang tôi gọi cho anh – nhà thơ, nhà báo Lê Bá Dương ngay, hai người hẹn nhau ở một quán cà phê trên bãi biển. Nắng mai lấp lánh trên bờ cát dài trắng xóa lân tinh, sóng biển xô nhau dạt vào bờ, trời xanh, biển xanh và mơn man gió nhẹ. Nói chuyện với nhau một lúc, anh đưa tôi tấm danh thiếp màu xanh. Một mặt ghi những thông tin cá nhân, một mặt ghi trọn bài thơ “Lời người bên sông”. Anh nói:

– Bài thơ có nhiều dị bản. Tôi ghi vào đây để gửi bạn bè, những ai quan tâm sẽ không nhầm lẫn nữa. “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”…

Sông Thạch Hãn. Ảnh: Phan Tất Lành

Đây là bài thơ nổi tiếng của anh đã được khắc đá, gắn trong khu di tích trên hai bờ sông Thạch Hãn, đoạn vào Thành Cổ Quảng Trị. Bài thơ đã làm tôi bao lần rơi nước mắt. Nhất là những lần đi nói chuyện truyền thống cho các trường phổ thông, khi đọc đến câu: “Có tuổi hai mươi thành sóng nước”, thì tôi nghẹn ngào không thể nào đọc tiếp. Hình ảnh dòng sông loang máu đỏ hiện lên; những thi thể người trúng bom, dính đạn trôi vật vờ trên mặt nước hoặc đang chìm dần xuống đáy sông sâu…

Bài thơ lúc đầu lấy tên là “Lời thỉnh cầu của người bên sông”, sau đổi lại là “Lời người bên sông”.

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”

Anh in bài thơ lên danh thiếp và gửi cho bạn bè vì, nhiều người vẫn đọc sai “Đò qua, hoặc đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ”. Ở đây phải đọc đúng là “Đò lên” và từ “ơi”… (chấm lửng) chứ không phải từ “xin”. Còn câu cuối, nhiều người đọc “Giữ yên bờ bãi, mãi ngàn năm” là không đúng, mà phải đọc “Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”. Anh phân tích từng câu, từng chữ tỉ mỉ lắm. Tôi thấy anh “rất cẩn thận” trong sáng tác, và anh muốn mọi người cũng không hiểu sai về ý tứ anh muốn nói trong từng câu, chữ của bài thơ.

Nhà thơ, nhà báo Lê Bá Dương

Anh tiếp: “ngoài bài thơ trên, tôi còn có một bài thơ khác viết ngay trong Thành Cổ Quảng Trị. Đó là đêm tôi nằm ngủ một mình ngay trong Thành Cổ, ngủ giữa đất vậy thôi. Nhìn thấy rất nhiều đom đóm bay chập chờn trong đêm tối, tôi thấy gương mặt những người lính hiện lên lờ mờ như ảo ảnh. Và tôi nhẩm đọc “Giấc ngủ chập chờn giữa Thành Cổ/ Nhòa trong sáng xanh đom đóm bay/ Đồng đội tôi bao người nằm lại/ Đã về đây cùng tôi đêm nay””.

Nhà thơ, nhà báo Lê Bá Dương quê ở Thái Hòa, Nghệ An. Năm 1968, mới 16 tuổi, anh khai tăng tuổi và cắt máu ký vào lá đơn tình nguyện để được đi bộ đội. Anh nhập ngũ vào Trung đoàn 27, Quân khu 4, chiến đấu ở Cam Lộ, Quảng Trị. Năm 1972, khi chiến dịch 81 ngày đêm diễn ra ở Thành Cổ, đơn vị anh về chiến đấu trực tiếp ở Triệu Phong, cách Thành Cổ 6 km. Vành đai ngoài thành là những điểm xung yếu để bảo vệ và yểm trợ tuyến trong. Vào thời điểm đó, Hội nghị Paris đang đấu tranh gay gắt giữa các bên. Trên chiến trường, giữa ta và địch quyết tử tranh giành Thành Cổ, bên nào cắm được cờ lên Thành Cổ sẽ giành thắng lợi trên bàn đàm phán. Như Bác Hồ nói “Thực lực là quả chuông, ngoại giao là tiếng chuông; quả chuông to thì tiếng chuông mới vang xa”. Sau 81 ngày đêm cả hai bên tập trung lực lượng và hỏa lực tranh giành Thành Cổ, cuối cùng chúng ta đã chiến thắng, nhưng hy sinh không đếm xuể.

Trong những năm chiến đấu ở Quảng Trị anh đã chứng kiến cuộc chiến vô cùng thảm khốc. Có lần, bên sườn dãy núi 333 thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Đại đội 3, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 27 có 67 người vừa vận động từ phía trong ra. Đang dừng nghỉ thì B52 rải thảm xuống địa bàn. Đội hình đơn vị anh dính một phần đuôi của loạt bom. Cả đại đội chỉ còn vỏn vẹn 7 người sống sót. Sau đó, một chiến sĩ nhìn những thi thể tan nát giữa đồi, anh cứ chạy lên rồi chạy xuống, miệng liên tục kêu: “Đâu là đường sống? Đâu là đường sống”! rồi đổ người xuống, hy sinh khi đã kiệt hết sinh lực sau sức ép của bom và cả những sang chấn tâm lý.

Tượng đài tưởng niệm – Bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn. Ảnh: Phan Tất Lành

Rồi một lần, giữa đêm đơn vị chờ vượt sông vào tuyến trong, bất chợt từ một nhóm bộ đội từ trong vừa vượt bến đi ngang ra. Tiếng ai đó hỏi vọng: “Có ai người Cẩm Xuyên không”. Từ cuối đội hình, một chiến sỹ tên là Duyên trả lời: “Có tôi”… Vậy là hỏi qua hỏi lại đến câu: “đồng chí con ai?” và khi nghe câu trả lời của Duyên, người hỏi ban đầu bỗng ôm choàng lấy Duyên: “Rứa mi là con của cha à…bố đây, bố là Triết đây”. Chắp nối câu được câu mất của họ, cũng đủ thông tin rằng, hơn 20 năm trước ông từ cuộc kháng chiến chống Pháp trở về, ở với vợ được một hôm rồi tiếp tục theo đơn vị đi vào chiến trường B. Khi vợ sinh con, ông vẫn mải miết những chặng đường trận mạc, mà không thể biết sau này, hai cha con lại gặp nhau trên chặng đường này. Một cuộc gặp bất ngờ, để rồi thêm bất ngờ xót xa khi trong đêm đó, Duyên vào trận và hy sinh, còn người cha về đến hậu cứ cũng bị trúng bom. Nghiệt ngã thay, hai cha con người bờ nam người bờ bắc Bến Hải đều đã “ra đi” trong cùng một đêm sau cuộc gặp thoáng qua giữa bãi bom B52 của địch.

Rồi đến lượt anh, trong một trận giữ chốt tại cao điểm 322, anh đã bị thương. Cùng lúc, anh Phan Ngọc Lễ, người Diễn Kỷ, Diễn Châu, cũng bị thương rất nặng. Cả mảng ngực toác ra, lá phổi phập phồng trồi ra ngoài, ngập máu. Vết thương rộng quá, một cuộn băng không bịt kín được, anh giấu vết thương của mình để nhường cuộn băng cho anh Lễ. Anh Lễ biết mình không sống được, mấp máy tiếng được tiếng mất: “Mình không sống được nữa đâu, còn 2 hào trong túi, nhờ Dương về nộp hộ cho mình tháng Đảng phí cuối cùng”… Sau trận đánh, Lê Bá Dương đã cầm tờ bạc hai hào về nộp cho Bí thư chi bộ, dẫu anh chưa phải là đảng viên.

Những câu chuyện chiến đấu của anh hút tôi vào quang cảnh chiến trường Quảng Trị của những năm chiến tranh ác liệt. Nhấp ngụm cà phê như để kìm nén những dòng hồi ức đau thương. Cảm xúc về những năm tháng đó như đang dâng trào trong trái tim người lính. Anh rít một hơi thuốc thật dài rồi bật điện thoại tìm bài hát “Quân reo quê mẹ Quảng trị Anh hùng”. Một giọng nữ vang lên: “Mảnh đất thân thương hiền lành giản dị, vẫn thơm tiếng mẹ Quảng Trị quê ta. Rộn rã nơi đây vang tiếng quân ca, đánh giặc kiên cường bao tin mừng thắng trận…”. Hóa ra những bài hát về Quảng Trị, về chiến trường khốc liệt năm xưa đã được anh tuyển chọn và lúc nào cũng mang bên mình như để được sống cùng hoài niệm. Tôi biết anh cũng là người được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, anh là người hay hát và hát cũng khá hay. Bố anh là NSND Lê Bá Tùng, tên ông được đặt cho một con đường ở thành phố Vinh, quê hương ông.

Tôi hỏi:
– Bước vào cuộc chiến đầy hy sinh gian khổ như vậy, có khi nào anh nao núng tinh thần, có khi nào hoang mang, sợ hãi hay không?
Anh nói:
– Có chứ, người chứ có phải sắt đá đâu, bom đạn ầm ầm, đồng đội hết người này đến người khác ngã xuống. Nhưng tụi tôi hồi đó gần như không có khoảng trống cho những toan tính được mất, kể cả cái chết. Càng không thể nản lòng khi ngày ngày chứng kiến những việc làm, sự hy sinh của đồng đội như anh Lễ hoặc cha con người lính ở Cẩm Xuyên. Đặc biệt có cả những người lính gốc nhà giáo như người chiến sỹ lớn tuổi của tôi là thầy Nghị, quê ở Nghệ An. Là chiến sỹ mới trong số các công nhân viên chức nhập ngũ trong đợt tổng động viên và được phiên vào tiểu đội của tôi. Trong lần tham gia trận đánh trên đường 9, gần sân bay Sa Mưu, Biết thầy chưa dạn dày bom đạn, chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, tôi cố ý phân công cho thầy ở vị trí phía sau. Thầy có vẻ buồn buồn. Chờ khi chỉ hai người với nhau, thầy bảo: “Trước khi nhập ngũ, tôi là giáo viên, vẫn dạy học sinh về lòng yêu nước như thế nào rồi, bây giờ là chiến sỹ, và người chiến sỹ phải luôn hướng mình về phía trước, vậy đồng chí cứ để tôi lên tuyến trước như các đồng chí khác”. Lần đó, thầy hy sinh ngay khi tiếp cận mục tiêu. Kết thúc trận đánh, mọi người không thấy thầy đâu, phân nhau tìm kiếm quanh khu vực phía sau trận đánh, mãi vẫn không tìm được. Sực nhớ lời thầy, “đã là chiến sỹ, phải luôn ở phía trước” vậy là tôi cứ nhằm theo hướng phát triển vào đường 9 mà tìm, thì thấy thầy, trên mình đầy vết đạn pháo, tay ôm chặt súng, đầu hướng về phía chúng tôi vừa tấn công… thầy đã hi sinh. Đó chỉ là một trong nhiều những điều làm cho người lính chúng tôi không thể xao lòng. Mỗi khi đưa đồng đội về với đất, chúng tôi vẫn thầm hứa, sau này sẽ quay lại đi tìm để đưa các anh về với gia đình, về với quê hương xứ sở, và lời hứa thầm đó, thấm đẫm thành lời thề sinh tử, hằn sâu trong tâm khảm những người lính chúng tôi.

Chiều phố biển Nha Trang thật đẹp. Giữa nền biển, nền trời xanh ngắt, phía ngoài xa thấp thoáng những con thuyền rong ruổi ra khơi. Con đường trên bờ biển tấp nập người và xe qua lại hối hả, những cây dừa lúc lỉu những buồng quả no tròn, sải cành lá vươn lên dưới bầu trời thanh bình, mát dịu. Những người đi tắm biển buổi sáng đã lên bờ, du khách nằm thư giãn trên những chiếc ghế bố và ghế nan gỗ mà những người chủ quán giải khát đã bày sẵn. Từng đôi trai gái mặc đồ tắm xanh, đỏ khúc khích bên nhau. Tôi nghĩ họ thật may mắn khi không phải trải qua chiến tranh tàn khốc như các thế hệ cha ông. Không biết họ có hình dung nổi những điều anh đang kể cho tôi trên bãi biển hôm nay? Nói chuyện dông dài một lúc, tôi lại hỏi anh về những chuyện đi tìm đồng đội. Anh tiếp tục kể cho tôi nghe những chuyến đi về chiến trường xưa.

Thắp hương mộ đồng đội

Giải phóng miền Nam xong, anh theo đơn vị ra Bắc. Năm 1976, được về phép lần đầu, anh chỉ ở nhà vài ngày rồi khoác ba lô lên đường vào Quảng Trị. Thời đó phương tiện giao thông còn khó khăn, anh cứ xin đi nhờ xe tải từng chặng một. Đến những địa điểm trước đây là chiến trường ác liệt, anh dò tìm những dấu vết xưa, tìm những ngôi mộ đồng đội chôn vội ngày nào bên hố bom, vách núi. Lòng anh đau thắt khi nhìn vào bạt ngàn lau lách, sim mua, nơi từng có những đồng đội nằm lại chưa và không thể về.  Có lúc anh như người mộng du, cứ đi vô định. Cầm những nén hương cháy đỏ trên tay, anh bước đi giữa đất trời hoang vắng. Đói, thì ăn tạm thỏi lương khô, tối thì gặp đâu ngủ đó. Có hương thì đốt hương, không có hương thì đốt thuốc lá cho khói bay bảng lảng giữa núi đồi, cây cỏ. Thời mới giải phóng, chợ búa còn chưa hoạt động bình thường, anh lặng lẽ tìm bẻ những thân cây sậy khô, bó lại từng bó rồi kết thành bè, cắm thêm những bông hoa rừng rồi lặng lẽ thả trôi trên các đoạn suối, khúc sông với  hi vọng vong hồn đồng đội được ấm áp nơi đầu ghềnh cuối bãi.

Sau này, khi Nhà nước có chủ trương quy tập mộ liệt sĩ. Anh lại lên đường. Chắt chiu từng đồng lương, kể cả khi khó khăn, bán bớt bộ quân phục để lấy tiền làm lộ phí, với đau đáu một tâm nguyện kiếm tìm những đồng đội còn sống, chắp nối thông tin để tìm người đã mất. Đến năm 2007, lần đầu anh tổ chức được 38 anh em, chủ yếu là người Quảng Trị, đã từng tham gia các đơn vị bộ đội địa phương, tập trung lên dãy cao điểm 544. Trong đoàn có cả Thiếu tướng Nguyễn Minh Long ở Sư 324, sư đoàn đầu tiên mở mặt trận B5 năm 1966. Năm 2009, anh tổ chức cuộc gặp thứ hai tại Yên Thành, Nghệ An. Cuộc đó có 170 người, với manh nha hình thành những cuộc hành hương sau này mang tên “Hành hương mang quê hương vào cho đồng đội”. Cho đến tháng 3 năm 2009, anh đi Hà Nội và các tỉnh thành như Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Bình… để kết nối anh em đồng đội, đứng ra tổ chức và trực tiếp điều hành cuộc hành hương chính thức đầu tiên mang tên “Đêm ấm rừng đồng đội” với tâm nguyện: không đưa được đồng đội về quê, thì “mang quê hương vào cho đồng đội”, vào dịp tháng 4 /2009, với hơn 250 người gồm các cựu chiến binh và gia đình các thân nhân liệt sĩ của trung đoàn. Điểm đến đầu tiên là rừng Hồ Khê (thuộc Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị), một trong những điểm nhấn của mặt trận Gio Cam, nơi Trung đoàn của anh có mặt từ năm 1968 và đã trải qua hàng ngàn ngày bom gào, đạn xé. Theo kế hoạch hành hương, anh liên hệ với chính quyền địa phương để phối hợp tổ chức những hoạt động như: chương trình “đón bộ đội về làng”. Đây không chỉ là phép giải bài toán lưu trú cho những hoạt động đông người, dài ngày, mà hơn thế, là sự khẳng định về tình nghĩa quân dân, vốn thành truyền thống của quân đội cách mạng. Theo kế hoạch đó, khi bộ đội của đoàn hành hương về làng, nhân dân ra tận đầu làng, ngõ xóm chào đón, rồi nhà 5 người, nhà 3 người tỏa về các gia đình trong từng ngõ nhỏ. Để rồi, hình ảnh đón bộ đội về làng một thời chưa xa trong chiến tranh như được tái hiện thành hình, thành khối rộn ràng, náo nức. Cả làng nhộn nhịp những bóng quân phục màu xanh, mũ tai bèo, khăn rằn Nam Bộ. Riêng những đêm ngủ rừng theo chương trình “ấm rừng đồng đội” làm xôn xao cả cánh rừng chiến địa xưa với những cuộc thi mắc võng thời chiến, thi làm bếp Hoàng Cầm, đêm “hát cho đồng đội tôi nghe”… Cũng từ một trong những đêm ấm rừng đồng đội như vậy là những chuỗi ký ức một thời sinh tử lại ùa về.

Tôi đã nghe trong nghèn nghẹn câu chuyện một lần hành hương. Giữa cánh rừng chiến địa xưa, khi nhìn thấy cả nhà bà Nguyễn Thị Lý, 74 tuổi, là vợ liệt sĩ, quê ở ngoại thành Hà Nội, thay vì mắc võng nằm cùng các chiến sỹ trong đoàn, thì cả nhà trải võng ra nằm dưới đất rừng. Anh hỏi: “Chị đã hơn 70 tuổi rồi, sao không mắc võng, mà lại nằm đất cho lạnh lưng? Câu trả lời của người vợ Liệt sỹ lúc đó đã làm cho những người lính gần bên bật khóc:
“Võng chú tặng, chị để mắc ở nơi khác, còn ở đây, cho chị được trải xuống đất nằm cho gần hơi anh Hoạt nhà chị đã hy sinh ngay tại nơi này”.

Từ cuộc hành hương chính thức năm 2009, cho đến năm 2022, đã có 7 cuộc hành hương như vậy với quân số lúc ít nhất là 250 người, lúc có gần cả nghìn người với nhiều rất hoạt động: Chương trình “đêm ấm rừng đồng đội”, chương trình“đón bộ đội về làng”, chương trình “Hòa đất nước quê hương vào lòng Thạch Hãn”. Các chuyến hành hương cũng đã hình thành những khoản quỹ học bổng để trao cho các nhà trường, gọi là quỹ “Quá khứ dưỡng tương lai”. Và lần mới đây được tổ chức vào dịp tháng 7 năm 2022 còn thêm một chương trình “Trao hương gửi lửa”. Đoàn đã mời 63 người quản trang cấp xã trong tỉnh Quảng Trị cùng tham dự. Như một lời thưa gửi, trao nhờ đồng bào Quảng Trị vốn dĩ đã giữ ấm hương khói trên ngàn vạn chốn yên nằm của các đồng đội, nay tiếp tục cưu mang, giữ ấm bát hương ân nghĩa muôn đời. Chính từ chương trình đột xuất này, để có thể có thêm chút quà hương khói, anh đã góp 18 triệu đồng là toàn bộ số tiền nhuận bút của anh khi biên soạn cuốn sách “Những bức di thư Thành Cổ” (do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2022).

Thả hoa trên sông Thạch Hãn

Chiến tranh đã lùi xa, phần lớn các liệt sĩ đã được đưa về quê hương hoặc quy tập vào các nghĩa trang do các địa phương quản lý. Nhưng còn đó những anh hùng, liệt sĩ đã hóa thân vào đất, vào nước nơi chiến trường xưa. Không thể nào đưa được các liệt sĩ trở về thì các anh “Đưa quê hương vào cho đồng đội”.  Những lần hành hương về Quảng Trị, mỗi người mang theo một nắm đất và một lọ nước lấy từ mỗi miền quê. Nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ lấy đất trong vườn nhà, múc nước giếng nhà đưa vào cho con, em mình. Trung đoàn 27 được thành lập trên xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Trước khi xuất phát, đoàn hành hương tập kết về Nam Anh, ở lại trong nhà dân như ngày xưa ấy. Họ lấy đất và nước từ xã Nam Anh, về quê Bác lấy nước giếng Chùa bên quê nội và về Làng Trù, lấy đất và nước nơi quê ngoại của Người. Mỗi miền đều mang theo nước của Hồ Gươm, Hà Nội, nước sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn, nước ở sông Hồng, nước của sông Lam, sông Mã, v.v… Trên bờ sông Thạch Hãn, con sông như biểu tượng của Quảng Trị, là chứng nhân của những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh quả cảm trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân ta. Tại đây, cùng với việc thắp hương và thả hoa xuống dòng sông, từng người lấy đất và nước mang đi hòa chung vào từng cái hũ. Rồi từng người lại bốc nắm đất trong hũ đó bỏ xuống dòng sông, hòa vào dòng nước, hòa vào cát bồi, trong đó có máu thịt của những người thân và đồng đội. Mỗi người bốc nắm đất bỏ xuống dòng sông đều phải tự giới thiệu về tên, tuổi, quê quán của mình. Ý như để liệt sĩ dễ nhận được người thân và được nghe chính ngữ âm của quê hương xứ sở qua ngôn ngữ từng vùng. Anh bảo: “Quê hương không chỉ là nắm đất, bình nước sông quê, ao quê, mà còn thân quen với những ngữ thanh của nơi những người lính sinh ra và lớn lên…”. Cùng với việc hòa đất, nước vào dòng sông Thạch Hãn, họ đã thay nhau hát những bài dân ca từ mọi miền đất nước. Từ dân ca quan họ Bắc Ninh; dân ca Thanh Hóa; ví, giặm Nghệ Tĩnh và những ca khúc mang âm hưởng từng miền. Những câu hát nhòa trong nước mắt: “Anh có về xứ Nghệ với em không, đất miền Trung mưa dầm nắng gió, về đó rồi anh thương nhiều hơn nữa, bởi nơi em thắm đượm tình quê”…

Hàng chục năm đã trôi qua, anh và những đồng đội cũ vẫn miệt mài trên khắp nẻo đường hết chuyến này đến chuyến khác. Họ luôn canh cánh trong lòng một lời thề với những người đã khuất, lời thề để trả cho món nợ không vay. Từ những cửa sinh khác nhau, cùng vào chung cửa tử, tựa vào nhau mà chiến đấu để suốt đời, anh và những người đồng đội xúc động, bồi hồi mỗi khi nhắc đến lời bài thơ, cũng là lời cúng khấn, dâng hương:

“Rượu 3 chung, thuốc nửa điếu
Như thuở nào nhạt muối, đói cơm
Như thuở nào ăn trong đạn, ngủ trong bom
Như thuở nào nhường bạn cuốn băng
Giấu mình vừa trúng đạn
Như thuở nào xếp đá
Chôn đồng đội tôi bên suối cạn
Để cuối chặng đời, lòng vẫn ngoảnh lại phía ngày xưa”

 Cao Khoa
(Ảnh do tác giả cung cấp)