Ngay trước thềm Hội thảo về Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, tại Nhà hát Dân ca Nghệ An đã diễn ra đêm giao lưu nghệ thuật mà trong đó, những tác phẩm – những dấu ấn “để đời” của ông một lần nữa được tái hiện trên sân khấu. Có thể nói, những vở kịch và trích đoạn kịch dân ca được ông viết lời, viết nhạc từ những thập niên 60 của thế kỷ trước, cho đến hôm nay vẫn vẹn nguyên sức sống và lấy được nhiều xúc động từ phía khán giả.

Nguyễn Trung Phong từng là một nhà quản lý văn hóa (ông là Phó ty Văn hóa Nghệ Tĩnh), nhưng trước khi trở thành một nhà quản lý thì ông đã là một “người nông dân viết kịch” của làng Trung Phường (Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An). Sinh năm 1929, ngay từ ấu thơ, những câu hò, điệu ví… của làng quê xứ Nghệ đã thấm đẫm trong tâm hồn nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong.

Chân dung nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. Ảnh: Tư liệu

Chưa từng trải qua một trường lớp đào tạo âm nhạc hay biên kịch nào, Nguyễn Trung Phong đã viết nhạc, viết kịch bằng bản năng, sự tài hoa nghệ sỹ bẩm sinh, những thẩm thấu văn hóa dân gian của làng  quê xứ Nghệ và bằng tất cả những trải nghiệm sống của mình. Ông viết ra những bản nhạc “để đời” chỉ bằng cách tự mình hát lên, rồi hỏi han nhờ góp ý từ bạn bè văn nghệ hoặc quần chúng nhân dân. Từ đây, ông trở thành người đặt nền móng quan trọng cho kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.

Ngày hôm nay, trên sân khấu dân ca, những vở diễn lừng danh một thuở của Nguyễn Trung Phong được tái hiện như một lời nhắc nhớ, như một sự tri ấn tới ông

Khi Ban đội đi vắng và khúc hát ‘Giận mà thương”

Vở kịch dân ca “Khi ban đội đi vắng”- đầu tiên được biểu diễn bởi đội văn nghệ xã Diễn Bình, Diễn Châu, Nghệ An khoảng năm 1967.

Nhà hát Dân ca Nghệ An tối 18.10 chật kín người đến xem diễn lại những vở kịch của tác giả Nguyễn Trung Phong. Ảnh: PV

Vở kịch “Khi ban đội đi vắng” được Nguyễn Trung Phong sáng tác để phục vụ tuyên truyền chủ trương lớn của nước nhà giai đoạn xây dựng hậu phương lớn miền Bắc để chi viện cho chiến trường miền Nam. Miền Bắc thực hiện mô hình kinh tế tập thể, bao cấp. Việc buôn bán, giao thương thực hiện ở các cửa hàng nhà nước quản lý, còn người dân đi buôn được xem là vi phạm pháp luật.

Vở kịch của Nguyễn Trung Phong với dụng ý phê phán chủ nghĩa cá nhân, là câu chuyện của một cặp vợ chồng ở nông thôn xứ Nghệ những năm tháng đó. Anh chồng là một xã viên, nhưng lại có ý định nhăm nhe “ngược Lường” (Đô Lương) để buôn cau, chè xanh nhân khi Ban đội (cán bộ HTX) đi họp vắng, việc quản lý có phần lơi lỏng. Chị vợ biết được ý định đó của chồng đã ra sức khuyên can, bàn bạc cả với mẹ chồng để nói phải trái thiệt hơn với chồng mình.

Đội văn nghệ xã Diễn Bình (Diễn Châu) đã tái hiện lại một màn kịch xưa trên sân khấu ngày nay vở “Khi Ban đội đi vắng” nổi tiếng của Nguyễn Trung Phong. Ảnh: P.V

Anh chồng khi nghe vợ cản thì rất giận vợ mình. Hồi đó, Nguyễn Trung Phong đang làm Phó ty Văn hóa tỉnh, ông mang sáng tác của mình về quê, bàn bạc với người chú ruột của mình là đạo diễn Nguyễn Trung Đính cùng người em là nhà biên kịch, nguyên chủ nhiệm HTX Diễn Bình là Nguyễn Trung Giáp và thống nhất dàn dựng cho đội văn nghệ xã Diễn Bình biểu diễn (sau đó vở kịch này được chuyển vào cho Đoàn Dân ca Nghệ An dàn dựng ở sân khấu chuyên nghiệp).

Diễn viên quần chúng Nguyễn Lê (em họ nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong) đóng vai người vợ đang khuyên nhủ chồng mình với bài hát Giận mà thương. Ảnh: P.V

Khi xem đội văn nghệ biểu diễn nhiều lần ở địa phương, Nguyễn Trung Phong vẫn cảm thấy chưa thực sự hài lòng. Ông có cảm giác vở kịch vẫn đang thiếu một chút cao trào, chưa diễn tả hết được các trạng huống tâm lý phức tạp, đan xen và giằng xé của người vợ. Các làn điệu ví giặm vốn có cũng quá đơn giản, không thể nói hết tấm lòng người phụ nữ xứ Nghệ yêu chồng, giận chồng đi vào con đường sai trái nhưng giận mà hiểu đấy, mà thương đấy. Sau nhiều ngày nghiền ngẫm, Nguyễn Trung Phong đã viết một điệu hát mới mà ông gọi tên là điệu “Trăn trở”. Sau khi được một số bạn bè là các nhạc sỹ góp ý, ông đã chỉnh sửa vài chi tiết và đổi tên điệu hát “Trăn trở” thành điệu hát “Giận mà thương” cho phù hợp với sắc thái tình cảm của nhân vật và chủ đề bài hát. Và kể từ đó “Giận và thương” đã lan tỏa mạnh mẽ, thậm chí đã đứng độc lập ra khỏi vở kịch của chính tác giả Nguyễn Trung Phong.

Từ một “điệu hát” trong vở kịch năm nào, “Giận và thương” đã từng được nhầm lẫn là một bài dân ca xứ Nghệ . “Giận và thương” được hát khắp nơi, được mang lên sóng phát thanh, truyền hình và được ghi tên là: Dân ca Nghệ Tĩnh (ví giặm lời cổ). Cả một thời gian dài, bài hát được xem là bài tủ của nhiều ca sỹ, có mặt trong nhiều chương trình âm nhạc đặc trưng về xứ Nghệ.

Những diễn viên quần chúng của đội văn nghệ xã Diễn Bình giao lưu sau vở diễn, chia sẻ niềm tự hào của một thời vang bóng. Ảnh: P.V

Tối 18.10, vở kịch được Đội văn nghệ xã Diễn Bình biểu diễn trên sân khấu nhà hát dân ca và nhận được những đón nhận nồng nhiệt từ phía khán giả. Đặc biệt, trong nhóm những “diễn viên không chuyên” của làng quê, có người em họ của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã tham gia vai cô Tâm- người vợ thương chồng, khéo léo và cũng nhiều cương quyết rất đặc trưng của phụ nữ xứ Nghệ.

Xúc động cùng các trích đoạn trong “Cô gái sông Lam”

Thú vị với “Khi ban đội đi vắng” và òa vỡ xúc động khi xem trích đoạn của “Cô gái sông Lam”, ấy là những cảm xúc của khán giả trong đêm giao lưu nghệ thuật. Cô gái sông Lam kể về tấm lòng trung trinh của cô Nghệ- người con gái xứ Nghệ lớn lên từ nghèo khó, nhưng sáng ngời phẩm giá, khát khao được “đứng thẳng làm một người tự do”, một lòng đi theo cách mạng.

Trích đoạn “Cô gái sông Lam” do đoàn Nhà hát Dân ca biểu diễn. Ảnh: P.V

Nguyễn Trung Phong viết vở này vào năm 1959. Đó là khi ông làm ở Ty Văn hóa, được giao viết một kịch bản cho sân khấu chèo kỷ niệm 30 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh để Đoàn mang tới Hội diễn sân khấu toàn quốc. Bao lo lắng, trăn trở vì đây là một loại hình không phải sở trường của sân khấu xứ Nghệ, nhiều diễn viên cũng mới lần đầu biết tới hát chèo, thế nhưng sau chỉ 1 tháng, ông đã hoàn thành vở này.

Vở diễn ra mắt lần đầu tiên vào năm 1960 để phục vụ sự kiện 30 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1962, vở chèo “Cô gái sông Lam” đã được mang tới Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và mang tới thành công vang dội với 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc (dành cho vở diễn, đạo diễn, âm nhạc, tác giả kịch bản, và một số  vai diễn). Sau đó, vở chèo còn làm mưa làm gió trên sân khấu toàn quốc với hàng trăm suất diễn. Sau đó, vở chèo được chuyển thể sang kịch dân ca Nghệ Tĩnh năm 1974 và tiếp tục hành trình chinh phục khán giả khắp các vùng quê xứ Nghệ.

Một đoạn trích xúc động về cô Nghệ và bà mẹ trong mái tranh nghèo của mình. Ảnh: P.V

Những tên tuổi nghệ sỹ sân khấu đã “đóng đinh” với vở diễn, giúp họ bước lên bục cao vinh quang, giúp họ có cả những kỷ niệm không thể quên được trong đời. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất, có lẽ chính là lần vở chèo được biểu diễn trong Phủ Chủ tịch cho Bác Hồ xem và tác giả kịch bản Nguyễn Trung Phong đã được Bác Hồ gắn lên ngực tấm huy hiệu của Người.

Có thể nói trong đêm giao lưu nghệ thuật “Các tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong”, Đoàn Nhà hát dân ca đã có một màn trình diễn xuất sắc với sự xuất hiện của các nghệ sỹ: Minh Tuệ, Hồng Dương, Thiên Huế, Hải Lý, Thành Vinh… Cuối buổi biểu diễn, nghệ sỹ Minh Ngọc với vai diễn đóng đinh của mình (cô Nghệ) nổi danh một thời cũng đã bước lên sân khấu trong niềm xúc động nghẹn ngào…

 P.V