Cuối năm 2019, khi dịch bệnh Covid bùng phát, thế giới đã lo sợ nhưng chắc hẳn không thể tưởng tượng được hơn một năm sau nó vẫn tiếp tục tàn phá cuộc sống của nhân loại như hôm nay. Chúng ta đã từng hình dung về sự nguy hiểm của virus Corona nhưng có lẽ cũng không thể nghĩ tới một ngày nó cướp đi nhiều sinh mạng và tấn công toàn diện mọi mặt của đời sống như vậy. Có lẽ đây là cuộc khủng hoảng rộng lớn và lâu dài nhất của lịch sử thế giới hiện đại. Tính đến ngày 17/8/2021, toàn thế giới đã có trên 208,5 triệu ca bệnh, hơn 4,38 triệu ca tử vong. Sau thời gian tình hình có dấu hiệu được kiểm soát ở một số quốc gia thì nay số ca nhiễm đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, đặc biệt là ở châu Á và châu Âu. Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh những tháng qua hết sức đáng lo ngại. Tính đến cuối ngày 16/8, cả nước có 283.696 ca nhiễm, 6.141 ca tử vong và mỗi ngày lại có thêm hàng nghìn ca mắc mới. Trước thực trạng đó, nếu được hỏi: “Bạn lạc quan hay bi quan về hiện tại và tương lai?”, chúng ta sẽ trả lời thế nào?

Thành phố Vinh vắng lặng trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16 với những biện pháp tăng cường (từ 00h ngày 23-30/8/2021). Ảnh Hoàng Nguyên

Lạc quan là cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng đang xảy ra nhưng cần thiết hơn là phải nhận diện rõ những gì chúng ta đang đối mặt để tìm ra phương cách tồn tại và phát triển. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm quan trọng để chúng ta nhìn lại và thay đổi. Những thay đổi mang tính sống còn.

Những góc khuất được phơi bày
Đại dịch không chỉ giúp mỗi chúng ta thấy sự bất trắc, khó lường của đời sống; sự mong manh của kiếp người mà còn thấy được rất nhiều lỗ hổng, sự yếu ớt của các mối liên kết trong từng quốc gia và trên toàn thế giới để rồi phải giật mình nhìn lại những cam kết, những “giấc mơ màu hồng” trong thời đại toàn cầu hóa.
Trên phạm vi toàn cầu, có lẽ, dù không muốn thừa nhận nhưng chúng ta không thể né tránh sự thực rằng: thế giới đã chưa thành công trong việc khống chế virus Corona. Đã gần hai năm trôi qua nhưng những con số về ca nhiễm, tử vong do Covid-19 vẫn tăng lên từng ngày; các biến chủng mới của virus liên tục xuất hiện. Nền kinh tế toàn cầu bị tác động một cách nghiêm trọng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, sản xuất đình đốn, tăng trưởng kinh tế sụt giảm,… Có khả năng, sau đại dịch ta sẽ phải đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và không dễ vượt qua.
Những phản ứng ban đầu của các quốc gia khi dịch bệnh bùng phát đã cho thấy sự thiếu hợp tác và tính yếu ớt của các mối liên kết, sự nghi kỵ cũng như sự thiếu minh bạch trong trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia. Điều này đã góp phần khiến dịch bệnh diễn biến tồi tệ như ngày hôm nay.
Đại dịch Covid-19 cũng cho chúng ta thấy dường như thế giới chưa đủ quan tâm và sự chuẩn bị cho những mối đe dọa từ các nguy cơ an ninh phi truyền thống. Những nền kinh tế hàng đầu thế giới, những quốc gia giàu có như Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc,… nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải, thiếu vật tư y tế khi dịch bùng phát mạnh. Phải chăng điều này đang bộc lộ rõ một thực trạng đáng buồn của thế giới rằng: chúng ta đang quan tâm nhiều đến vũ khí, đến chạy đua quyền lực hơn là đầu tư những dịch vụ thiết yếu đảm bảo cho an sinh, cho cuộc sống bình yên của mỗi con người? Chúng ta đang chạy theo các mục tiêu kinh tế, theo những tính toán lợi ích mà quên đi an nguy của nhân loại. Ở phạm vi trong nước, dịch bệnh cũng khiến chúng ta phải chứng kiến nhiều thực tế đau lòng.
Những dòng người bất chấp hiểm nguy, bất chấp tính mạng chở nhau bằng xe máy, xe ba gác, thậm chí xe đạp, đi bộ rời thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… tìm đường về quê hương giữa mùa dịch. Những người lang thang, những lao động tự do chờ phát từng bữa cơm; những tiếng khóc giữa lòng thành phố hoa lệ,… Tất cả khiến ta xa xót và cả giật mình… Giật mình vì còn có quá nhiều đồng bào cực khổ, giật mình vì sự chênh lệch trong phát triển, giật mình về số phận của nhóm yếu thế trong xã hội và giật mình vì con số những người ly hương tìm việc làm. Nghệ An, Hà Tĩnh là hai tỉnh có số người đi xuất khẩu lao động cao hàng đầu cả nước và người xứ Nghệ cũng có mặt rất nhiều ở những tỉnh, thành khác trong nước để mưu sinh. Một bộ phận thành đạt nhưng cũng rất nhiều người trong số họ còn khó khăn. Liệu, trước những dòng người đổ xô tháo chạy khỏi thành phố trở về quê hôm nay chúng ta có băn khoăn đặt câu hỏi về thực trạng phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho con em trên địa bàn hay không?

Dịch bệnh cũng đang bộc lộ những điểm yếu, sự lúng túng của chúng ta khi đối diện với khủng hoảng. Điều này đã dẫn đến không ít bất cập trong công tác kiểm soát dịch, đặc biệt là những thủ tục hành chính rườm rà, những hoạt động mang tính hình thức đã ít nhiều gây phiền hà, bức xúc cho dân. Điều này cũng dẫn đến việc nông sản tại các vùng đang thực hiện cách ly xã hội không thể tiêu thụ, dân bỏ phí nhiều rau, củ, quả và nguy cơ trắng tay sau mùa vụ. Câu chuyện gây tranh cãi về hàng hóa thiết yếu vừa qua cũng cho thấy rõ sự cứng nhắc, hách dịch và hạn chế về trình độ của một bộ phận cán bộ địa phương.
Dịch bệnh cũng cho thấy sự dễ tổn thương và tính phụ thuộc của nền kinh tế và để lại nhiều lo ngại về khả năng phục hồi kinh tế sau dịch. Nói cách khác, sức đề kháng của nền kinh tế và của xã hội chúng ta là tương đối yếu trước khủng hoảng.
Tuy nhiên, bên cạnh những góc khuất ấy, đại dịch cũng giúp ta thấy những sự thực đáng để tin tưởng, để hy vọng.

Có niềm tin được nhen lên

Trong những tình huống khó khăn, giữa thảm họa, con người ta sẽ bộc lộ rõ nhất phẩm cách, giá trị của mình. Trước nguy khốn, nhiều khi con người bị tha hóa và sẵn sàng làm những việc xấu xa nhất để sinh tồn. Thế nhưng, giữa muôn trùng đắng cay, giữa hoang mang sợ hãi, người dân Việt vẫn thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết, của tình yêu thương.
Những chuyến hàng cứu trợ khắp nơi đi về vùng dịch; những đoàn bác sỹ, tình nguyện viên liên tục lên đường tiến vào tâm dịch; những người dân dù đang khó khăn vẫn sẵn sàng ủng hộ quỹ vaccine; những nhóm từ thiện ngày đêm vẫn mang từng suất cơm cho người nghèo giữa thành phố Hồ Chí Minh; những người dân đổ ra bên đường để hỗ trợ tiền, xăng, thực phẩm cho người hồi hương,… Tất cả vẽ lên một bức tranh xúc động hơn bao giờ hết về tình người để rồi chúng ta thấy ấm lòng hơn và tin tưởng cuộc đời vẫn còn đó bao điều tốt đẹp.
Mặc dù Covid đang đánh những đòn chí mạng vào các mối liên kết quốc tế và quá trình toàn cầu hóa nhưng chúng ta vẫn có thể đặt niềm tin vào sự hợp tác giữa các quốc gia, đặt niềm tin vào chính phủ. Sau những lúng túng, chia rẽ ban đầu, các nước trên thế giới đã có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau về tài chính cũng như vật tư y tế, thuốc điều trị, vaccine.

Những hình ảnh xúc động như thế này ta dễ dàng được chứng kiến trong những ngày các địa phương trên địa bàn tình Nghệ An thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Ảnh: Nguyễn Phương

Đối với Việt Nam, chúng ta thấy được những nỗ lực và cả bản lĩnh của Chính phủ trước tình thế khắc nghiệt. Đặc biệt, Ngoại giao vaccine đang là điểm sáng của ngoại giao Việt Nam hiện nay. Với rất nhiều nỗ lực, chúng ta đã tiếp nhận và vận động các quốc gia cam kết hỗ trợ hàng chục triệu liều vaccine, tiêu biểu có thể kể đến hỗ trợ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Cuba, Trung Quốc… Thời gian tới, công tác Ngoại giao vaccine sẽ tiếp tục được Nhà nước chú trọng đẩy mạnh vì đây là một mặt trận quan trọng, vừa có ý nghĩa cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài trong công tác chống dịch.

Và bài học được rút ra
Giữa thực tế nhiều nỗi đau và đầy xáo trộn do dịch bệnh gây ra, thế giới cũng như Việt Nam đang dần nhận ra những bài học quan trọng. Có lẽ Covid-19 đã khiến nhiều quan niệm, nhiều ứng xử truyền thống phải thay đổi.
Khi các cuộc hội họp, sự kiện, lễ hội phải hủy bỏ hay chuyển sang hình thức trực tuyến thì cũng là lúc người ta nhận ra nếu thiếu vắng một số cuộc trong đó cũng không ảnh hưởng gì. Hay nói cách khác nếu không có các hoạt động hình thức, thủ tục rườm rà sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí và tăng cường hiệu quả công việc. Một bộ phận cũng đang dần quen hơn với làm việc tại nhà, làm việc từ xa và đó có thể là xu hướng nhiều người trẻ sẽ lựa chọn trong tương lai.
Những ngày giãn cách xã hội, bên cạnh sự căng thẳng, những khó khăn người dân phải đối mặt thì ta cũng phải thừa nhận sự thay đổi tích cực của môi trường. Đường phố vắng bóng xe, bầu trời bớt khói bụi và bỗng dưng tiếng chim lại lảnh lót cất lên giữa lòng thành phố. Thiên nhiên trong lành hơn khi vắng bóng sự hiện diện và những hoạt động của chúng ta. Thực tế đó đang phản ánh rằng môi trường tự nhiên thực sự quá tải trước sức ép của con người. Phải chăng lâu nay những mục tiêu kinh tế, những áp lực cuộc sống khiến chúng ta quên đi tiếng kêu cứu của thiên nhiên? Nếu không dừng lại và sớm nhận ra rằng thiên nhiên cũng đang oằn mình chống chọi với sự tàn phá của con người, nếu không nhận ra những tai họa chúng ta có thể phải đón nhận do cư xử tệ với tự nhiên thì ta sẽ phải đối diện những điều kinh khủng hơn trong tương lai. Sự sống của chúng ta hôm nay bị đe dọa vì dịch bệnh nhưng đừng quên cũng bị đe dọa bởi thiên tai và mối đe dọa này ngày càng đáng báo động.
Dịch bệnh khiến các trường học đóng cửa, học online trở thành lựa chọn bắt buộc. Cũng chính trong tình thế bắt buộc này ta nhận ra vai trò không thể thay thế của giảng dạy trực tiếp. Không phủ nhận một số ưu điểm của các chương trình đào tạo từ xa, các chương trình giảng dạy trực tuyến nhưng có thể khẳng định rằng chúng không thể thay thế hoàn toàn việc giảng dạy trên lớp.
Đặc biệt, đại dịch chỉ ra rằng để đối phó với những vấn đề mang tính toàn cầu thì không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết. Cho nên dẫu quá trình toàn cầu hóa đang bộc lộ những điểm yếu, bị lung lay vì đại dịch thì sự hợp tác giữa các quốc gia vẫn là điều không thể thay thế và cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới bởi ngoài dịch bệnh còn có rất nhiều vấn đề nan giải khác cần sự chung tay như thiên tai, nghèo đói… Thay vì nghi kỵ, thay vì đặt những dấu hỏi thì chúng ta cần nghĩ hướng thay đổi, cải tổ để các cơ chế hợp tác đa phương, song phương hoạt động hiệu quả hơn, làm sao để khẳng định vai trò của các tổ chức quốc tế và để những cam kết quốc tế được thực thi.
Những ngày giãn cách xã hội, việc gặp gỡ trở nên khó khăn; những cái bắt tay, ôm hôn, việc nhìn thấy nụ cười của nhau trở thành xa xỉ. Đó là lúc ta nhận ra giá trị của những điều bé nhỏ mà ta vô tình lãng quên trong cuộc sống thường ngày.
Đó là lúc ta nhận ra giá trị về sự hiện diện của người khác trong cuộc đời mình, giá trị của những mối liên hệ, của những lần tiếp xúc. Bao lâu nay dường như rất nhiều người trong chúng ta quen lối sống thờ ơ, bạc đãi với những gì gắn bó quanh mình, với cả chính thân thể của mình. Có lẽ, đã đến lúc nhìn lại và thay đổi để không còn hời hợt sống, hời hợt yêu, hời hợt với mọi thứ xung quanh, hời hợt với hiện tại nữa. Đã đến lúc thôi chạy theo những phù phiếm để quay về với những giá trị chân thực, căn cốt, bền vững và biết trân trọng những điều bình dị, nhỏ nhoi bên mình.
Cũng trong những tháng ngày thực sự cô đơn vì dịch bệnh này, chúng ta được quay trở lại với gia đình để thấy công nghệ có phát triển đến cỡ nào, chúng ta có hàng trăm hàng nghìn mối quan hệ nào trên không gian mạng thì cũng không thể thay thế được những mối quan hệ, những lần tiếp xúc trực tiếp, không thể thay thế gia đình. Và, quan trọng hơn hết, ta phải nhận ra đâu là giá trị cốt lõi, là mối quan hệ căn bản để sẵn sàng loại bỏ bớt những gì không cần thiết đang đè nặng cuộc sống của mình và làm mình xao nhãng trước những điều cần dành sự quan tâm thực sự.
Chắc chắn, một ngày nào đó đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc nhưng rồi cũng chắc chắn rằng sẽ có những dịch bệnh khác, những thảm họa khác sẽ xảy ra trong tương lai. Điều quan trọng là chúng ta phải rút ra được bài học từ những đau thương, mất mát hôm nay để chủ động đối mặt và ứng phó. Thế giới này, xã hội này chẳng khác gì một cơ thể sống và các mối liên kết, tình yêu thương chính là sức đề kháng, là hệ miễn dịch. Khi chúng ta đủ mạnh, khi những liên kết tạo ra thực sự vững chắc, khi con người biết yêu thương, chia sẻ lẫn nhau, biết yêu lấy môi trường quanh mình thì sẽ chẳng phải lo sợ hay nao núng trước bất cứ thách thức nào.

Trang Đoan