Quán cà phê, chanh đá vỉa hè sơ sài nằm dựa lưng vào bức tường cầu kì của căn nhà ba lầu màu hồng nhạt rất đẹp. Gọi là quán cho oai, thực chất chỉ là xe đẩy cũ kĩ và vài cái ghế súp sắp hết khả năng sử dụng. Nhà không có hàng rào, chỉ có mấy chậu hoa đặt trên bậc thềm. Vô tình khiến sự đối nghịch giữa căn nhà và quán cà phê càng thêm rõ.
   My thích mấy chậu hoa ấy lắm. Nhất là độ này trời đã ấm áp sang Xuân, những nụ hoa bé xinh đã nở bông tươi thắm. Mỗi sáng dọn đồ ra quán giúp mẹ, cô nhỏ vẫn ghé ngang những chậu hoa. Ngoài việc xem có sâu hay rệp không, còn có việc không kém phần quan trọng là hôm nay có mấy bông hoa sẽ nở. Đó là bông hoa màu gì. Cô nhỏ vẫn thường thầm thì với lũ hoa, lũ lá, bạo gan bắt những con sâu xanh dám quấy rầy ở đó. Đôi khi, cô nhỏ còn nói với mẹ rằng, có tiếng hoa lá cảm ơn mình vì đã bắt sâu chăm sóc chúng. Mẹ cô nhỏ mải pha mấy li cà phê cho khách hàng, nghe tai này bỏ qua tai kia. Bà “ờ ờ” vậy thôi, không để ý.
Hơn một tuần nay, điều khiến My háo hức mỗi sáng là xem nhành nụ hoa lan đã lớn đến đâu. Những cái nụ từ xanh thẫm, đang chuyển sang màu xanh nhạt. Hôm qua, có nụ còn trăng trắng, tím tím ngay trên đầu tựa như chúng được đội những cái mũ rất điệu. Sáng nay chúng đã bung xòe rung rinh trong nắng sớm, mời gọi lũ bướm dập dìu xung quanh. My đã sững người khi thấy cảnh tượng đấy.

Minh họa: Hữu Tuấn

Cô nhỏ sà tới khóm lan, đưa tay nâng nâng cành hoa. Cô bé cứ mân mê mãi những cánh hoa mịn tựa nhung, cái cành hoa gầy guộc dịu dàng vươn trong nắng ấm. Bỗng bất thình lình, chỉ trong một tích tắc sơ ý, cành hoa gãy gục xuống. Trống ngực My đập dồn khi nghe tiếng mẹ giận dữ:
– Trời ơi, My! Sao con ngắt hoa?
– Mẹ ơi, hoa đẹp quá! Con không ngắt, tự cành hoa gãy mà…
– Chết tôi, chết tôi rồi…
Mẹ lao nhanh lại giằng mạnh cành hoa còn dính nhựa trên tay My. Ngay lập tức, cô bé tràn nước mắt, òa khóc. Cô bé đứng sững nhìn mẹ. Thực tình, làm sao một đứa bé 6 tuổi có thể hiểu chuyện này nghiêm trọng đến mức nào? Chỉ là một cành hoa mà nó thích quá mức, mân mê say đắm quá mà sơ ý làm gãy. Nhưng người đàn bà lam lũ – là mẹ nó thì ngay lập tức nhìn ra vấn đề. Bà là người buôn bán nhờ ở vỉa hè trước nhà người ta. Quán cà phê vỉa hè này là kiếm kế sinh nhai nuôi mẹ con. Người ta thương, đồng ý giúp đỡ không tính toán thiệt hơn. Ông nhạc sĩ chủ nhà là người yêu hoa, và con nhỏ nó lại làm gãy mất cành hoa đẹp nhất, quý nhất vừa trổ bông. Bà không biết làm gì hơn, ngồi thụp xuống rền rĩ: “Trời ơi, chết tôi rồi”…
Con bé sẽ phải xin lỗi ông chủ nhà. Chắc chắn rồi. Có thể ông sẽ bắt đền. Thì cũng phải chịu. Nhưng bà không chắc toàn bộ hàng quán của bà có thể đổi lại giá trị cành hoa ấy.
My đứng trước nhà ông nhạc sĩ. Nó lầm bầm cả chục lần câu xin lỗi, mắt vẫn nhòa nước mắt. Cành hoa tội nghiệp trong tay nó. Nó thoáng nghĩ trong đầu, giá có một phép màu để cành hoa được gắn liền lại. Con bé chuyển qua thì thầm: “Ông Bụt ơi, cứu con”.
Cho tới khi nắng lên cao, ông nhạc sĩ vẫn chưa dậy. Bà mẹ tội nghiệp dọn quán, nhắc con nhỏ chiều nay sẽ quay lại gặp để xin lỗi ông chủ nhà.
Chiều tới, con My bật cười khanh khách khi nhìn thấy chậu lan đã được dời lên gác một. Hai nhành hoa tím biếc còn đẹp hơn cả nhành hoa hôm qua buông thõng xuống dưới, gọi mời lũ bướm trắng bướm vàng:
– Mẹ ơi, quả là ông Bụt đã nghe lời con. Ông Bụt đã cứu con…
Tiếng dương cầm vẫn thanh tao cất lên trên gác nhỏ. Có một ông nhạc sĩ già đang viết nhạc, giai điệu tươi vui về nụ cười mùa xuân trong veo của cô bé ngoài kia. Trưa nay ông đã chuyển chậu lan lên gác và mua một gốc lan nhỏ hơn đặt khuất bên cạnh. Nhìn từ dưới lên, dĩ nhiên không thể phân biệt được những nhành lan kia lại từ một gốc lan khác. Ông làm điều ấy vì sáng nay, khi vừa thức giấc, đứng gần khe cửa đã nghe cô bé trò chuyện cùng những bông hoa. Lời trò chuyện ngọt ngào hơn gấp nhiều lần những giai điệu ông viết đã thức dậy bao cảm hứng sáng tạo từ lâu lắm đã ngủ quên trong ông. Ông cũng nhìn thấy vẻ âu lo sợ sệt, những giọt nước mắt pha lê rơi xuống khi cô bé vô tình làm gãy một nhành hoa, và nghe lời thì thầm…

Võ Thu Hương

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 10/ Chào Xuân Tân Sửu 2021)