Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng 1/8/1930-1/8/2020

Chúng tôi về Đô Lương trong một ngày cuối tháng 7 năm 2020. Ông Nguyễn Minh Hạnh – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy rất tự hào về những cán bộ cơ sở, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ nhằm giúp nhân dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước.

NSND Hồng Lựu trong một chuyến về thăm và giao lưu với Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm Giang Sơn Đông.

Có những thời điểm, Đô Lương là điểm nóng trên một số vấn đề như giải phóng mặt bằng, sáp nhập điểm trường… đã bị một số đối tượng chống phá tìm cách chia rẽ, gây mất niềm tin giữa chính quyền và nhân dân. Nhưng đến nay, mọi việc đã đi vào ổn định, bà con phấn khởi làm ăn trong không khí vui tươi, đoàn kết. Để có được cuộc sống bình yên như hôm nay là nhờ sự đồng lòng, dốc sức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác tham mưu và vào cuộc của Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Trên mặt trận tư tưởng, Đô Lương là địa phương có những cách làm sáng tạo nhằm tuyên truyền chính sách, vận dộng nhân dân và xử lý các vấn đề còn tồn tại một cách hài hòa.

Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm Giang Sơn Đông tặng quà cho các em nạn nhân chất độc màu da cam.

Người dân Đô Lương tự hào là mảnh đất còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Trên địa bàn huyện hiện có 09 câu lạc bộ (CLB) dân ca. Các CLB duy trì hoạt động thường xuyên và hiệu quả, hàng năm cung cấp nhiều hạt nhân cho phong trào văn nghệ thành tích cao của huyện. Tính đến đầu năm 2020, toàn huyện có 223 đội văn nghệ quần chúng với hơn 1000 diễn viên. Hạt nhân văn nghệ của huyện luôn được duy trì trong các cơ quan, đơn vị, trường học, khối, xóm, hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí mua sắm trang thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn. Đặc biệt, nhiều thành viên trong đội văn nghệ quần chúng có khả năng sáng tác và dàn dựng chương trình, tiểu phẩm sân khấu, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu sinh hoạt, thưởng thức văn hóa văn nghệ của nhân dân ở cơ sở. Bình quân mỗi năm, mỗi xã, thị trấn, xây dựng được ít nhất 5 chương trình văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn.

Một cảnh trong vở “Vợ lớn, vợ bé”, biểu diễn trong đêm nhạc thiện nguyện giúp đỡ người nghèo do Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Cường viết kịch bản và diễn xuất.

Hiện nay, Đô Lương có 2 nghệ nhận được công nhận nghệ nhân ưu tú và nhiều nghệ nhân dân gian. Huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều chương trình văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn như Liên hoan Giao lưu các câu lạc bộ dân ca chào mừng lễ hội Đền Quả Sơn, Liên hoan “Tiếng hát Làng Sen – Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” hàng năm. Ngoài ra, Câu lạc bộ thơ Đường Đô Lương cũng tổ chức sinh hoạt đều đặn hàng tháng, quy tụ được số lượng hội viên đông đảo, nhiều câu lạc bộ dân vũ, các đội văn nghệ thông tin hoạt động sôi nổi, đóng góp không nhỏ vào đời sống văn hóa tinh thần nói chung, đóng góp vào công tác tuyên truyền huyện nhà nói riêng.

Nói đến công tác tuyên truyền bằng văn nghệ ở Đô Lương phải nói đến xã Bồi Sơn, nơi Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Cường vừa là cán bộ văn hóa xã vừa là Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Bồi Sơn vẫn ngày đêm sưu tầm, sáng tác và dàn dựng kịch bản, chương trình để phục vụ bà con và tham gia các hội diễn.

Công tác tuyên giáo được Đảng bộ xã quan tâm với phương châm sát dân, mềm dẻo, khéo léo nhằm thu phục nhân tâm, cái gì dân chưa hiểu thì phải làm cho dân hiểu, cái gì cán bộ thiếu sót phải công nhận là thiếu sót. Để làm được điều đó không thể cứ diễn thuyết, chỉ đạo bằng những bài diễn văn máy móc, khô cứng, giản đơn mà phải bằng con đường của cảm xúc kết hợp với lý trí. Công tác tuyên truyền có lúc có tác dụng tức thời nhưng có những vấn đề cần như mưa dầm thấm lâu, lâu nhưng bền vững, khi dân đã thấm nhuần thì không điều gì có thể lung lay. Thế là “văn nghệ” vào cuộc. Những thông điệp được chuyển đến với bà con nhân dân, đến cán bộ đảng viên một cách khéo léo, tài tình thông qua điệu hò, câu ví, qua các hình tượng nghệ thuật hấp dẫn.

Đến nay, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường có khoảng 100 tác phẩm tự biên, tự dàn dựng được biểu diễn và tạo dấu ấn mạnh trong lòng quần chúng. Đặc biệt những vở diễn như: “Ai giỏi hơn ai” với mục tiêu tuyên truyền, khuyến khích dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, vở “Việc không của riêng ai” tuyên truyền về an toàn giao thông, hay ca khúc “Nỗi đau da cam” được cải biên từ thơ của tác giả Bùi Lan…

Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường đã có 15 tác phẩm đạt giải A trong các cuộc thi, hội diễn cấp tỉnh; 02 giải A trong các cuộc thi, hội diễn Liên hoan truyền thông toàn quốc (về an toàn giao thông đối với học sinh tiểu học và phòng chống bệnh lao). Năm 2013 anh được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong danh hiệu Nghệ nhân Dân gian; năm 2015, được Chủ tịch nước phong danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; được tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Nói về đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường, ông Nguyễn Đức Lương – Phó Ban Tuyên giáo huyện ủy Đô Lương, đánh giá cao những cống hiến vừa thầm lặng, vừa nổi bật của anh: thầm lặng trong mỗi việc làm, trong những hoạt động hàng ngày và thực sự nổi bật bằng những vở diễn, những làn điệu dân ca ví, giặm chảy bỏng, thiết tha, mượt mà, sâu lắng, đem đến niềm tin, kết nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.

Hữu Vinh.