Xác định mục tiêu giáo dục như vậy là một sự thay đổi lớn, chuyển từ mục tiêu truyền dạy tri thức, trong đó người thầy đóng vai trò trung tâm – chủ đạo, sang mục tiêu người học đóng vai trò trung tâm – chủ thể của hoạt động dạy – học, người thầy đóng vai trò tổ chức hướng dẫn.

Từ năm học 2010-2021, học sinh (HS) lớp 1 đã được học theo chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới. Từ năm học 2021-2022, chương trình và SGK mới sẽ được thực hiện cho HS lớp 2 và lớp 6.  Năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục mới, môn Ngữ văn 6 có 3 bộ sách: Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục. Ba bộ sách thiết kế có những điểm khác nhau, hoặc theo chủ điểm (Chân trời sáng tạo), hoặc theo thể loại và kiểu văn bản (Cánh Diều), hoặc kết hợp cả hai, vừa theo chủ điểm vừa theo kiểu văn bản (Kết nối tri thức với cuộc sống) nhưng đều chia làm 10 bài, 2 tập (mỗi tập 5 bài), ngoài ra đều có “bài mở đầu” và phần “ôn tập” ở cuối mỗi tập. Điểm giống nhau cơ bản của 3 bộ sách là đều được biên soạn nhằm mục tiêu phát triển năng lực cá nhân của người học, trong đó có năng lực tự học.

Khác với tất cả các SGK Văn, Văn học, Ngữ văn trước đây qua các thời kỳ, SGK Ngữ văn 6 được dùng từ năm học này, trước khi trình bày từng bài cụ thể thì có “bài mở đầu”. Ở bài này, các nhóm biên soạn giới thiệu nội dung SGK, cấu trúc, hướng dẫn cách học môn Ngữ văn, đặc biệt bộ sách Chân trời sáng tạo còn hướng dẫn cụ thể cách làm Sổ tay Ngữ văn; cách lập nhóm/câu lạc bộ để trao đổi; cách sưu tầm tài liệu, tranh ảnh, video clip, cách làm thẻ thông tin… Những nội dung này chưa từng được đưa vào các SGK trước kia, nó chỉ có thể được một số giáo viên (GV) thực hiện, nhưng có lẽ không nhiều, vì các trường, các tổ chuyên môn cũng không yêu cầu. Trong mỗi bài học cụ thể, SGK nêu rõ yêu cầu cần đạt về kiến thức và kỹ năng. Vì thế, có thể nói, SGK Ngữ văn 6 mới đã bày (show) mọi thứ ra, người học hoàn toàn có thể nắm được nội dung kiến thức và kỹ năng cơ bản từ việc tự đọc, tự học từ sách.

Sách giáo khoa Ngữ Văn 6 của ba bộ sách giáo khoa mới, gồm: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Ảnh: Vnexpress.net
  1. Những năng lực cụ thể được hình thành và phát triển cho việc tự học của học sinh

Trước hết là năng lực đọc hiểu: Ở phần “đọc hiểu văn bản (VB)”, cả ba bộ sách đều trình bày/thiết kế theo 3 bước (tên gọi có khác nhau nhưng quy trình, nội dung giống nhau): 1. Trước khi đọc/Chuẩn bị/; 2. Đọc hiểu/Trải nghiệm cùng VB; 3. Sau khi đọc/Trả lời câu hỏi cuối bài/Suy ngẫm và phản hồi. Ở bước chuẩn bị, SGK đã hướng dẫn HS nên làm những gì trước khi đọc văn bản; trong đó có đặt ra các câu hỏi gợi ý để định hướng cho người học trong và sau khi đọc, cũng là cách để HS tìm hiểu VB. Ở bước 2, SGK không chỉ trình bày VB mà xen vào đó, có các câu hỏi nhỏ, được bôi màu dễ nhận biết. Những câu hỏi đó hoặc là yêu cầu HS chú ý, theo dõi, hoặc là phát hiện, dự đoán, hoặc là tưởng tượng, hoặc nhận xét, suy ngẫm, đánh giá về chi tiết, hình ảnh, về tính cách, phẩm chất nhân vật… Với HS trung bình và khá, các em có thể tự trả lời được 70-80% câu hỏi. Cách thiết kế như thế giúp HS động não, hạn chế được việc đọc mà trôi tuột đi, đọc mà không nghĩ, không hiểu. Sau khi đọc VB, HS sẽ tiếp tục trả lời câu hỏi ở mức độ khó hơn. Như vậy, khả năng tự đọc hiểu của HS sẽ dần được nâng cao. Bộ Chân trời sáng tạo, cuối tập 1 có thêm “bảng hướng dẫn kỹ năng đọc”, liệt kê gần 10 kiểu đọc, là bổ sung cần thiết cho việc phát triển năng lực tự đọc của HS.

Thứ hai là năng lực viết: So với SGK cũ, Ngữ văn 6 của chương trình mới, phần viết cũng được soạn theo tinh thần nhằm phát triển năng lực tự học cao hơn, giảm lý thuyết, tăng thực hành. Nội dung phần Viết, được thiết kế gồm: 1. Định hướng; 2. Thực hành; gồm các bước a). Chuẩn bị; b). Tìm ý và lập dàn ý; c) Viết, d). Kiểm tra và chỉnh sửa.

Thứ ba là năng lực nói và nghe: Đây là nội dung có nhiều điểm mới nhất của SGK Ngữ văn 6 theo Chương trình giáo dục 2018 so với SGK cũ. Trong SGK cũ, ở mỗi kiểu bài tập làm văn chỉ có 2 tiết luyện nói, và chưa bao giờ dành cho luyện nghe. Còn ở SGK Ngữ văn mới, mỗi bài đều có phần nói và nghe. Phần này cũng được thiết kế rất cụ thể, chi tiết gồm: 1. Định hướng; 2. Thực hành, gồm các bước: a). Chuẩn bị; b). Tìm ý và lập dàn ý; c). Nói và nghe; d). Kiểm tra và chỉnh sửa: người nói và người nghe. SGK hướng dẫn rất cụ thể, ví dụ phần hướng dẫn nói và nghe (bộ Cánh Diều):

Người nói

– Kể về trải nghiệm theo dàn ý

– Sử dụng những từ ngữ thể hiện được trình tự thời gian hoặc diễn biến của sự việc; những từ ngữ phù hợp để tả các chi tiết về sự vật, hành động,…

– Nói rõ ràng, âm lượng phù hợp, kết hợp lời nói và cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ, hình ảnh (nếu có sử dụng). Đảm bảo thời gian quy định.

– Trả lời các câu hỏi của người nghe (nếu có).

Người nghe

– Lắng nghe chăm chú để hiểu thông tin được chia sẻ.

– Sử dụng cử chỉ, nét mặt, ánh mắt để khích lệ người nói.

– Nêu câu hỏi để được người nói chia sẻ thêm về trải nghiệm (nếu em có mong muốn). (Ví dụ: Vì sao bạn cho đây là trải  nghiệm đáng nhớ?).

Đây là kỹ năng mà chương trình giáo dục phổ thông (kể cả đại học) trước đây ít chú trọng, dẫn tới khả năng nói, khả năng trình bày bằng miệng của người học bị hạn chế. Với chương trình và SGK mới, hy vọng khả năng nói và nghe của HS sẽ được cải thiện trong quá trình học, đặc biệt sau khi tốt nghiệp phổ thông, HS có thể tự tin nói trước đám đông về một nội dung nào đó.

Thứ tư là năng lực tự đánh giá: Đây cũng là năng lực rất mới mà SGK Ngữ văn 6 mới nhằm hình thành, bồi dưỡng cho HS. Trong chương trình và cách thức dạy học cũ, chỉ có GV đánh giá HS. Việc đưa “Tự đánh giá” (bộ Cánh Diều) thành một phần cuối mỗi bài học và cuối học kỳ là rất cần thiết. Thông qua việc trả lời được bao nhiêu câu hỏi, HS tự đánh giá được kiến thức của mình đến đâu. Cùng với đánh giá của người dạy, việc tự đánh giá của bản thân người học là một kênh cần thiết, tránh ngộ nhận, ảo tưởng hoặc mù mờ, tự ti.

Trên đây là những năng lực mà HS sẽ được hình thành và phát triển thể hiện qua 4 kỹ năng cụ thể: đọc-viết-nói-nghe mà SGK trình bày. Thông qua 4 kỹ năng này, chương trình và SGK hướng đến mục tiêu lớn hơn, đó là hình thành và phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực thưởng thức, cảm thụ văn học đúng với chức năng môn Ngữ văn (gồm ngôn ngữ và văn học), kết hợp cùng các môn học khác góp phần hình thành và bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho thế hệ trẻ.

  1. Nhiệm vụ của học sinh và vai trò của giáo viên

2.1. Nhiệm vụ của học sinh

Trong phương pháp dạy học truyền thống, với kiểu “nghe-chép”, “đọc-chép”, hay mấy năm gần đây một số nơi, một số trường đã ứng dụng công nghệ powerpoint thì có thêm “nhìn (màn chiếu)-chép”, vai trò của người học là thụ động. Mặc dù, kể từ năm 2000, SGK phổ thông rồi đề thi cũng có những thay đổi, nhưng những sự thay đổi đó chưa “căn bản và toàn diện”, năng lực cá nhân của người học vẫn chưa thực sự được hình thành và phát triển. HS vẫn đóng vai trò bị động, cơ bản vẫn tiếp thu kiến thức một chiều, học thêm vẫn tràn lan, văn mẫu vẫn nhan nhản, bài thi đạt điểm cao vẫn là những bài mà trò ghi nhớ được, thậm chí thuộc được ý và lời của thầy cô chứ chưa phải là sản phẩm sáng tạo cá biệt của người học. Cách dạy – học như vậy khiến phần lớn HS học môn Ngữ văn thụ động, ít hứng thú, lười đọc, lười nghĩ, lười viết, lười nói… mà kết quả cuối kỳ, cuối năm hầu hết vẫn khá giỏi.

SGK được soạn theo Chương trình mới 2018 với mục tiêu phát triển năng lực HS, đã cung cấp cho các em đủ tư liệu và phương pháp để tiếp thu kiến thức và hình thành các kỹ năng. Mỗi bài học đã nêu cụ thể nhiệm vụ/công việc HS phải làm cho từng hoạt động: đọc-viết-nói-nghe.

Trước mỗi bài học, HS phải dành thời gian chuẩn bị. Từ mấy chục năm nay, GV vẫn yêu cầu HS soạn bài, chuẩn bị bài, nhưng thực tế vẫn chưa được HS thực hiện nghiêm túc, nhiều em làm qua quýt, đối phó, việc mở sách ra chép là không hiếm. Sở dĩ như vậy là do SGK và GV đều không hướng dẫn HS chuẩn bị. SGK Ngữ văn 6 mới đã khắc phục được điều này, ở mỗi bài đều nêu yêu cầu và hướng dẫn cụ thể các việc HS cần chuẩn bị ở từng kỹ năng.

Trong giờ học, dưới sự tổ chức, hướng dẫn của GV, HS chủ động tham gia vào các hoạt động đọc, đặt và trả lời câu hỏi, nghe và phát biểu thảo luận, làm bài tập, luyện viết và tham gia các hoạt động khác như vẽ tranh, làm thơ, kể chuyện, diễn hoạt cảnh…

Sau giờ học, HS làm bài tập, tìm hiểu, tra cứu thêm tài liệu, đọc sách kết nối theo chủ đề hoặc theo thể loại, hoặc theo kiểu văn bản, ghi chép vào “sổ tay văn học”, sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ, ngoại khóa…

SGK mới buộc các em làm nhiều việc, tham gia nhiều hoạt động hơn, “cái tôi” của các em có cơ hội bộc lộ rõ hơn, cả 4 kỹ năng đọc-viết-nói-nghe được chú trọng, cân đối, hài hòa.

2.2. Vai trò của giáo viên:

Để giúp HS thực sự trở thành chủ thể, trung tâm của hoạt động dạy học, vai trò của GV không phải là bị mờ đi, yếu đi như một số người hiểu. Vai trò GV càng quan trọng, nhưng theo một cách khác. Từ chỗ là người truyền dạy kiến thức, GV giờ đây chủ yếu là hướng dẫn HS làm theo mục tiêu đã đề ra, tổ chức quản lý lớp học, đánh giá kiến thức và kỹ năng của HS một cách toàn diện. Giúp HS phát triển năng lực tự học, tự chủ là một công việc không hề dễ dàng, đòi hỏi rất nhiều năng lực, bản lĩnh và thời gian của GV.

Đầu tiên là GV nắm vững mục tiêu giáo dục trong Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục mà Bộ Chính trị đã thông qua, để từ đó thay đổi quan điểm. Với những GV lớn tuổi, cách dạy học truyền thống đã là máu thịt, sự chuyển đổi có thể khó hơn, đòi hỏi thời gian lâu hơn, tuy nhiên khi mà tất cả các bước, các hoạt động của quá trình dạy học thay đổi, đặc biệt là SGK và hoạt động kiểm tra, đánh giá thay đổi thì GV sẽ thay đổi theo.

Hai là, GV phải chuẩn bị bài dạy công phu hơn trước. Kể từ năm 2000 thì giáo án đã có những thay đổi nhưng chưa đáng kể, từ năm học này, việc soạn bài cần thay đổi, bổ sung ở nhiều bước, nhiều khâu (tuy nhiên có một phần lại được giảm nhẹ, đó là những câu hỏi nhỏ trong phần đọc hiểu SGK đã có sẵn). GV soạn bài với tinh thần là người tổ chức, hướng dẫn, quản lý HS để hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất của HS, chứ không phải là người truyền thụ, ban phát tri thức. Vì thế, GV trong khi soạn giáo án phải xây dựng các bước cụ thể, cho HS chuẩn bị bài thế nào, phân công việc ra sao, tổ chức các tổ/nhóm thế nào, hình dung các tình huống diễn ra như thế nào… để chuẩn bị trước.

Ba là, GV nên chia lớp học thành nhiều tổ, nhóm. Ở nông thôn có thể bố trí những em nhà gần nhau vào cùng tổ/nhóm để dễ gặp gỡ trực tiếp khi cần. Tuy nhiên, điều quan trọng là đảm bảo sự đồng đều giữa các tổ/nhóm, có HS các trình độ khác nhau. Việc phân chia tổ/nhóm không cứng nhắc, có thể thay đổi, cũng như giao trưởng/phó tổ/nhóm nên luân phiên để mọi HS đều được trải nghiệm, thử thách vai trò thủ lĩnh.

Bốn là, GV tổ chức, quản lý lớp học sẽ khó hơn so với cách dạy truyền thống. Lớp học sẽ tùy từng hoạt động, có lúc im phăng phắc, nhưng nhiều lúc sẽ là ồn ào, sôi động. Nếu sĩ số lớp học đông, trên 40 HS, GV sẽ rất khó khăn và việc phát triển năng lực cho HS sẽ nhiều trở ngại.

Năm là, việc đánh giá HS cần linh hoạt và nhiều cách thức. Đây là vấn đề quan trọng. Việc này đã có chỉ đạo từ Bộ GD và ĐT. Tóm lại, GV dạy theo chương trình và SGK mới rất cần chủ động, sáng tạo và bản lĩnh.

Kết luận: SGK Ngữ văn 6 mới không chỉ cung cấp tri thức ngôn ngữ và văn học phù hợp với trình độ, với tâm sinh lý lứa tuổi, là công cụ để GV giảng dạy mà điểm nổi bật nhất nó là tài liệu cung cấp, hướng dẫn cho HS cách học. Các em có thể tự học, tự biết cách lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng. HS không phải thụ động, chờ GV “ban phát”, “bật mí”. HS dù ở điều kiện nào, vùng sâu, vùng xa, nếu thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu và hướng dẫn của SGK sẽ có được kiến thức và kỹ năng cơ bản. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp như hiện nay, hầu hết các trường học của Việt Nam ta và trên thế giới đều học online, thì SGK Ngữ văn 6 được thiết kế như một tài liệu và công cụ cho việc tự học là đúng hướng, đúng mục tiêu. Tự học vốn đã được chứng minh là cách học hiệu quả qua các tấm gương sáng ngời trong quá khứ, giờ đây nó vẫn là cách học tốt nhất của hiện tại và tương lai. Hy vọng, với sự thay đổi chương trình và SGK, cách dạy và cách học thay đổi theo hướng tích cực, tiến bộ, giáo dục Việt Nam ta sẽ đào tạo được thế hệ mới có những phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của thời đại. Các em HS sẽ tự chủ, tự tin, sáng tạo tìm kiếm, lĩnh hội tri thức không chỉ trong phạm vi SGK mà biết bao tri thức ngoài biển đời mênh mông, vô hạn.

Trần Thị Bích Hà

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 17, tháng 9/2021)